Sáng ngày 12/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tổ chức lớp Tập huấn chẩn đoán, giám sát và xét nghiệm bệnh bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho các Trung tâm y tế và Bệnh xá: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Biên phòng tỉnh. Tham dự chỉ đạo lớp tập huấn có bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình phát biểu chỉ đạo tại lớp tập huấn
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi khuẩn bạch hầu gây ra, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và có thể bùng phát thành dịch. Bệnh được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có tỷ lệ tử vong cao. Người nhiễm bệnh sau 2-5 ngày thường xuất hiện các triệu chứng điển hình: Sốt, ớn lạnh, sưng hạch, ho; xuất hiện giả mạc màu xám dày ở họng và amidan, khó thở, khó nuốt; gây biến chứng: Viêm cơ tim, liệt thần kinh, viêm phổi... Người bệnh có thể tử vong trong vòng từ 6-10 ngày nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh bạch hầu hiện đã ghi nhận rải rác tại một số địa phương trong cả nước, trong đó đã có 1 ca tử vong tại huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) là cô gái 18 tuổi và cũng đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong này.
Toàn cảnh lớp tập huấn
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, tại lớp tập huấn, các học viên đã được các giảng viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã truyền đạt một số nội dung như: Đặc điểm của bệnh, tác nhân gây bệnh, đặc điểm dịch tễ học, nguồn truyền nhiễm, phương thức lây truyền, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bao gồm: biện pháp dự phòng, phương pháp điều tra giám sát ca bệnh; chẩn đoán điều trị; hướng dẫn lấy mẫu, loại bệnh phẩm, kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm, cách ly, xử lý môi trường, xử lý khi có ca bệnh/ổ dịch…
Bên cạnh việc nâng cao năng lực giám sát phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, buổi tập huấn cũng cung cấp những kiến thức liên quan đến tiêm vắc xin phòng bệnh và tiêm vắc xin chống dịch, giúp các cán bộ y tế nắm bắt và triển khai tại địa phương.
Cán bộ CDC Quảng Bình hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm bệnh bạch hầu
Hiện nay, tiêm chủng vẫn là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống bệnh bạch hầu, vì vậy các địa phương cần tăng cường hoạt động truyền thông, vận động người dân đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ, thực hiện vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường, súc miệng mũi họng bằng dung dịch sát khuẩn...
Trước đó, để chủ động tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu, không để bệnh xâm nhập, lây lan vào địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có văn bản chỉ đạo đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các dịch bệnh tại địa phương; chủ động, kịp thời phát hiện các ổ dịch mới, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh (nếu có). Đặc biệt, rà soát và tiêm vét, tiêm bổ sung ngay vắc xin bạch hầu cho những trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ theo quy định. Đồng thời, chủ động xây dựng, củng cố các đội phòng chống dịch cơ động, sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý các ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc phòng chống, khống chế ổ dịch khi cần thiết; tham mưu cho chính quyền địa phương chủ động chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch; cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho cán bộ y tế.
Một số hình ảnh ghi nhận tại buổi tập huấn:
Mai An