Sidebar Menu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe của Nhân dân và y đức của người thầy thuốc. Người luôn căn dặn thầy thuốc “lương y phải như từ mẫu”. 70 năm qua, các thế hệ thầy thuốc Việt Nam nói chung, cán bộ, nhân viên ngành Y tế Quảng Bình nói riêng luôn coi lời Bác Hồ dạy là con đường dẫn tới thành công, là thước đo phẩm giá đạo đức, là mục tiêu phấn đấu không ngừng để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân.

N2.JPG
Ngành Y tế Quảng Bình trải qua các thời kỳ phát triển luôn nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân

Ngay từ khi nước nhà mới giành được độc lập, Bác đã quan tâm đến phong trào vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện thân thể, xây dựng đời sống mới. Mỗi lần gặp gỡ cán bộ ngành Y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: Công tác Y tế phải hướng về cơ sở, phục vụ quần chúng Nhân dân, nhất là Nhân dân lao động. Bác nói: Mọi người, từ già  trẻ, trai gái đã là người yêu nước thì đều phải quan tâm, giữ gìn sức khỏe.

Cách đây 70 năm, ngày 27/2/1955, tại hội nghị Y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gửi thư cho cán bộ nhân viên y tế. Bức thư đã trở thành tài sản vô giá của ngành Y tế nước ta. Trong thư Bác nhấn mạnh: Phải nêu cao tinh thần đoàn kết, phải xây dựng một nền Y học Việt Nam “Dân tộc, khoa học và đại chúng”, “Lương y phải như từ mẫu”. Mỗi cán bộ y bác sĩ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn”.

Ngày 16/6/1957, khi vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh trong buổi nói chuyện trước 3 vạn đồng bào, chiến sĩ tại sân vận động TX.Đồng Hới, Bác Hồ đã đề ra cho Quảng Bình 7 nhiệm vụ trước mắt phải làm, trong đó có nhiệm vụ vệ sinh phòng bệnh thật tốt. Tối hôm đó, khi Bác nghỉ lại nhà khách của Sư đoàn 325 ở cửa biển Nhật Lệ, trong câu chuyện tâm tình, Bác nhắc lại những ký ức thời niên thiếu cùng cụ thân sinh đi dọc chiều dài Quảng Bình trên đường thiên lý Bắc-Nam để vào kinh thành Huế. Bác kể, khi đi qua vùng Quảng Ninh, Lệ Thủy, thấy một số phụ nữ do bị muỗi độc đốt, chân sưng to bằng cột nhà, bà con gọi là bệnh chân voi, nay đã chữa lành được chưa? Những lời nhắc nhở, sự quan tâm của Người đã thấm sâu trong tâm trí và trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc Quảng Bình.

70 năm làm theo lời Bác, các thế hệ y, bác sĩ ở Quảng Bình luôn gương mẫu, trách nhiệm, tâm huyết vượt qua mọi khó khăn, luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc trọng trách bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân.

Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đội ngũ thầy thuốc Quảng Bình đã không quản ngại hy sinh, gian khổ luôn có mặt trên mọi mặt trận để chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chăm sóc điều trị cho thương binh, bệnh binh và Nhân dân, đồng thời đó tham gia chi viện lực lượng, thuốc men cho chiến trường Trị - Thiên và nước bạn Lào.

Trong khói lửa đạn bom, ngành Y tế Quảng Bình đã xuất hiện nhiều tấm gương lao động, chiến đấu tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là nữ y tá Trương Thị Diên (xã Thanh Trạch, Bố Trạch) được Nhà nước tuyên dương Anh hùng và Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người; là tập thể Bệnh viện Quảng Trạch anh hùng, giữa mịt mù khói lửa đạn bom, đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện đã kiên cường bám trụ, hết lòng cứu chữa, điều trị kịp thời cho hàng nghìn người bị thương, cử hàng trăm lượt cán bộ về cùng y tế cơ sở cấp cứu cho người dân tại hiện trường.

N3.jpg
Ngành Y tế luôn chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tuyến y tế cơ sở để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế đa dạng, chất lượng ngay tại địa phương

Đi qua chiến tranh, nhất là sau ngày Quảng Bình trở về địa giới cũ, cùng với cả tỉnh, ngành Y tế Quảng Bình bắt tay xây dựng lại từ đầu. Giữa những ngổn ngang của những ngày đầu tái lập, trong điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh còn nghèo nàn, lạc hậu, đội ngũ nhân viên y tế thiếu và còn nhiều hạn chế… Vượt lên bao gian khó, thiếu thốn, đội ngũ nhân viên ngành Y tế Quảng Bình đã cùng nhau đoàn kết, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, trưởng thành trong y thuật và y đức; thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Từ năm 1981, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới được đưa vào sử dụng, đây là tuyến cao nhất và chuyên khoa đầu ngành của tỉnh, chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn - kỹ thuật. Từ đây, cán bộ y tế Quảng Bình bắt đầu tiếp cận, tiếp thu, lĩnh hội một hình mẫu hiện đại hóa đầu tiên của ngành Y từ đất nước Cuba, và cũng từ đó, mỗi một cán bộ, nhân viên y tế Quảng Bình ra sức học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và tay nghề, từng bước xây dựng ngành Y tế tỉnh nhà theo hướng chính quy, hiện đại.

Sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của tỉnh, sự tận tâm, tận tụy của những người tiền nhiệm trong những buổi ban đầu đã tạo dựng nền tảng cho ngành Y tế Quảng Bình ngày một vững vàng, phát triển vượt bậc sau này.

Từ chỗ toàn tỉnh chỉ có có 7 phòng Y tế huyện, thị xã sau khi tái lập tỉnh năm 1989, đến nay, ngành Y tế  Quảng Bình đã có 187 cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng y tế từ xã đến tỉnh được đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới. Trong 5 năm trở lại đây đã có 10 trạm y tế được xây dựng mới; có 92/151 trạm y tế được đầu tư cải tạo sửa chữa từ nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2020 - 2024; 5 bệnh viện được đầu tư nâng cấp. Đặc biệt trong đó một số dự án đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình (cơ sở 2) quy mô 200 giường bệnh, tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng; BVĐK huyện Quảng Ninh (cơ sở 2), quy mô 100 giường bệnh, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng...; đang xây dựng hoàn thiện Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch; trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, là những công trình trọng điểm của tỉnh nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật về y tế dự phòng.

Cùng với đó, hệ thống y tế tư nhân được quản lý, từng bước phát triển. Có 3 bệnh viện tư nhân được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần tăng cường năng lực phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và giảm tải một phần cho các cơ sở y tế công lập.

Toàn ngành Y tế Quảng Bình có hơn 3.350 cán bộ công chức viên chức, trong đó trình độ bác sỹ: 745 người; 516 bác sỹ đa khoa và chuyên khoa sau đại học, đạt tỷ lệ 11,5 bác sĩ/1 vạn dân, 2 dược sĩ đại học/vạn dân. Các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai trên 800 kỹ thuật mới vượt tuyến, trong đó có nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, thể hiện tính đột phá vượt bậc trong triển khai kỹ thuật điều trị các bệnh khó ở các lĩnh vực, như: Nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương chỉnh hình, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa, y học cổ truyền, chạy thận nhân tạo....

Cùng với hệ thống khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện, mạng lưới y tế cơ sở cũng được quan tâm, đầu tư, nhất là gắn với quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 91% trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo chuẩn mới. 100% trạm y tế xã, phường được bố trí từ 5-7 viên chức và đều có bác sỹ; 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, được trang bị các dụng cụ thiết yếu. Ngành Y tế Quảng Bình cũng  đã từng bước áp dụng Bảng điểm chất lượng dịch vụ tại trạm y tế xã để đánh giá hoạt động của các trạm y tế trên địa bàn tỉnh, 100% thôn bản có nhân viên y tế.

Trước những yêu cầu, diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh và sự thay đổi của cơ cấu của bệnh tật, ngành Y tế còn triển khai thực hiện hiệu quả công tác giám sát dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh có nguy cơ lây truyền qua biên giới. Kiểm soát tốt dịch bệnh theo mùa, dịch cúm, tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết… các dịch bệnh mới nổi như Covid-19, đậu mùa khỉ…

Khi dịch Covid-19 bắt đầu ghi nhận những ca đầu tiên trên địa bàn tỉnh, với quyết tâm ngăn chặn, không để dịch bùng phát và sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Y tế là lực lượng xung kích, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Quảng Bình cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên vừa căng mình chống dịch Covid-19, vừa triển khai đồng bộ các hoạt động chăm sóc, điều trị người bệnh...là thách thức lớn đối với ngành Y tế tỉnh nhà. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, ngành Y tế Quảng Bình cùng với các lực lượng đã kịp thời chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả” và đạt kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển đời sống xã hội.

Là địa phương có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có cửa khẩu, cảng biển, các tuyến đường bộ, hàng không, đường sắt trọng điểm đi qua, là những điều kiện tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh, nhưng trong nhiều năm qua, ngành Y tế Quảng Bình luôn thực hiện hiệu quả trong việc kiểm soát các dịch bệnh.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng chống HIV/AIDS, Dân số-KHHGĐ, vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng được quan tâm với nhiều cơ chế và chính sách sát đúng. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa như: Mắt, tâm thần, điều trị lao -  bệnh phổi, sức khỏe sinh sản, nội tiết … hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của ngành Y trong đời sống xã hội.

Hoạt động hợp tác chuyên gia, đào tạo để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được chú trọng, trong đó phải kể đến việc hợp tác, thuê các chuyên gia Cuba về làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới; mời các giáo sư đầu ngành của các bệnh viện tuyến trung ương về chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện đa khoa trên địa bàn; phối hợp với Trường Đại học đầu ngành, các Dự án về y tế mở các lớp đào tạo, kết quả đào tạo sau đại học; đào tạo bác sĩ gia đình… Ngoài ra, ngành còn tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ; cập nhật kiến thức y khoa liên tục và cấp chứng chỉ đào liên tục cho đội ngũ cán bộ, viên chức y tế.

Bên cạnh chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành Y tế là một trong những đơn vị đi đầu không chỉ trong việc sắp xếp bộ máy, tinh giản đầu mối và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, hoạt động điều hành chuyên môn, từng bước thực hiện chuyển đổi số ngành Y tế. Nhiều tiện ích thông minh, tiện lợi đã được ứng dụng hiệu quả, như: Tư vấn khám bệnh từ xa, hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT), bệnh án điện tử, kết nối liên thông giữa các bệnh viện tuyến trên để hội chẩn các ca bệnh khó. Điều này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và người bệnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tiếp cận các dịch vụ y tế được nhanh chóng, thuận lợi.

N4.jpg
Cơ sở 2 Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình là một trong những công trình trọng điểm đang được ngành Y tế tích cực triển khai, đẩy nhanh tiến độ

Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT tiếp đón khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip. Đặc biệt, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới là 2 đơn vị đã triển khai thực hiện công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân kết hợp xác thực sinh trắc giúp người bệnh lấy số thứ tự vào khám chữa bệnh, đăng ký thông tin thẻ BHYT, xác thực chủ thẻ BHYT vào Hệ thống phần mềm quản lý khám chữa bệnh của bệnh viện. Thời gian tới, ngành Y tế Quảng Bình sẽ mở rộng phạm vi ứng dụng trên địa bàn tỉnh.

Song song với công tác chuyên môn, công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt việc quản lý hành nghề Y dược tư nhân được chú trọng. “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được ngành Y tế xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm củng cố niềm tin và sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình, là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Để thực hiện tốt nội dung này, ngành Y tế đã tổ chức các hoạt động tập huấn, nâng cao kỹ năng giao tiếp, thực hiện đường dây nóng, duy trì hòm thư góp ý, xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện... Các đơn vị đã thành lập phòng công tác xã hội để hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế nhằm giải quyết những vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc triển khai nhân rộng phong trào 5S từ bệnh viện đến tất cả trạm y tế cũng đã giúp thay đổi diện mạo của các cơ sở khám chữa bệnh, tối ưu hóa không gian làm việc.

Trưởng thành trong từng bước phát triển cùng quê hương, đất nước, với những kết quả đạt được trong chặng đường 70 năm qua, ngành Y tế Quảng Bình đã có nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được nhận “Cờ thi đua của UBND tỉnh”, “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Lao động, Cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc ưu tú… Đó là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước dành cho những chiến sĩ áo trắng, là niềm vinh dự tự hào và cũng là trọng trách lớn lao để mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động ngành Y tế luôn sẵn sàng cống hiến.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở và phát huy những kết quả đạt được, củng cố và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mạng lưới hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở. ngành Y tế Quảng Bình tiếp tục chú trọng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Đầu tư nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt hoàn thiện Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình trở thành Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng I với công suất 500 - 800 giường bệnh để phục vụ cho người dân phía Bắc của tỉnh. Tiếp tục đầu tư nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, củng cố và hoàn thiện năng lực hoạt động tuyến y tế cơ sở phát triển theo nguyên lý y học gia đình.

Phát triển hệ thống y tế Quảng Bình theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững; từng bước hội nhập, gắn kết với phát triển du lịch. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong các hoạt động sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế. Nâng cao y đức, trách nhiệm cán bộ, nhân viên y tế; có chính sách đào tạo, thu hút nhân lực ngành Y. Làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập chất lượng cao. Phát triển nguồn dược liệu, xây dựng hệ thống sản xuất dược. Quản lý tốt hành nghề y, dược tư nhân. Nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tăng cường phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới.

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ trên, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể, mỗi cán bộ nhân viên ngành Y tế sẽ tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, đem hết nỗ lực, nhiệt tình, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, thi đua hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ được giao. Với phương châm "Kiên quyết trong chỉ đạo - đổi mới trong thực hiện - đảm bảo sự ổn định để tạo đà cho sự phát triển”, cán bộ ngành Y tế, dù ở bất cứ cương vị nào cũng luôn nêu cao đạo đức nghề nghiệp, khẳng định hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế, xứng đáng với sự tin cậy, tôn vinh của xã hội.

Thầy thuốc Nhân dân, Bác sĩ CKII Dương Thanh Bình - Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình