Thời gian qua, công tác dân số của tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ổn định kinh tế-xã hội (KT-XH) tỉnh nhà. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn những khó khăn cần giải quyết dứt điểm như: Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm có xu hướng giảm nhưng chưa thực sự bền vững, tỷ suất sinh thô có sự biến động liên tục; số trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên vẫn ở mức cao (trên 20%); tỷ số giới tính khi sinh vẫn có dấu hiệu mất cân bằng; tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh (TS-SS), khám sức khỏe cho vị thành niên/thanh niên còn thấp...
Cán bộ trạm y tế tư vấn, chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Để tiếp tục thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, chuyển từ chính sách dân số tập trung vào kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang phát triển dân số toàn diện, Chi cục DSKHHGĐ Quảng Bình đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách thiết thực và chương trình cụ thể. Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương, Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ, cùng các Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 604/KH-UBND của UBND tỉnh...Trên cơ sở đó Chi cục DSKHHGĐ đã tham mưu xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác dân số; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số công lập và ngoài công lập… Bên cạnh đó, các kế hoạch thực hiện cũng được xây dựng bao gồm nhiều nội dung, từ điều chỉnh mức sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, mở rộng tầm soát TS-SS, đến việc củng cố và phát triển hệ thống thông tin dân số. Công tác tuyên truyền được đổi mới trên cơ sở mở rộng nội dung, bao quát các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số (CLDS). Thời gian qua, tỉnh đã triển khai các mô hình, chương trình thực tế tại từng địa phương để phù hợp với tình hình dân số; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ, như mức chi bồi dưỡng cho cộng tác viên dân số (Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND, ngày 27/5/2022 của HĐND tỉnh) và cơ chế tổ chức mạng lưới làm công tác dân số, quan tâm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số, bảo đảm nguồn lực và tăng cường hợp tác quốc tế. Qua đó, tỉnh đã đưa công tác dân số từng bước vào cuộc sống, gắn với phát triển KT-XH và bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Hiện nay, một trong những rào cản gây khó khăn cho công tác DSKHHGĐ ở Quảng Bình là nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động còn hạn chế. Ông Phan Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Ngân sách dành cho chương trình dân số và phát triển hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lực địa phương. Mặc dù, tỉnh đã khắc phục khó khăn, tận dụng nguồn ngân sách Trung ương kết hợp với ngân sách địa phương, để đáp ứng yêu cầu triển khai công tác dân số trên nhiều lĩnh vực, như: Quy mô, cơ cấu, phân bổ và CLDS...nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ nhất định. Điều này khiến các dịch vụ dân số chỉ mới tập trung cung ứng cho nhóm đối tượng ưu tiên, phát triển tại khu vực thành thị và đồng bằng, nơi có mức sống cao; vùng sâu, vùng xa và khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế do điều kiện kinh tế khó khăn, trong khi việc xã hội hóa công tác dân số, nhất là chương trình sàng lọc TS-SS cần được mở rộng và không phân biệt vùng miền, địa bàn sinh sống.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ và CLDS, hướng đến việc đạt mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và không ngừng nâng cao CLDS. Để đạt được điều đó, Chi cục DSKHHGĐ tập trung triển khai đồng loạt nhiều giải pháp nhằm giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên và chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt, tăng cường sàng lọc TS-SS để phát hiện và can thiệp sớm các bệnh lý bẩm sinh; nâng tỷ lệ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đối với các khu vực đặc biệt, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức đồng bào hạn chế, tỉnh cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tảo hôn, loại bỏ hôn nhân cận huyết thống, tăng tuổi thọ bình quân và bảo đảm người cao tuổi được chăm sóc y tế, sức khỏe toàn diện. Đồng thời, 100% dân số sẽ được quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất.
Theo ông Phan Nam Bình, trước mắt đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, bao gồm: Quán triệt và triển khai đồng bộ các chính sách, pháp luật về dân số; nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương; đổi mới phương pháp truyền thông, đa dạng hóa nội dung, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng để đưa công tác dân số đi sâu vào đời sống người dân. Tích cực vận dụng nhiều hình thức nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực từ Nhà nước và Nhân dân, tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ KHHGĐ, đẩy mạnh tiếp thị xã hội các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng các dịch vụ như tầm soát bệnh lý TS-SS, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ngoài ra, công tác giám sát và đánh giá sẽ được tăng cường, nhất là ở cấp cơ sở, để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ và đạt được các mục tiêu đề ra. Việc vận động “mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con” cũng sẽ là nội dung trọng tâm trong thời gian tới, góp phần duy trì quy mô dân số hợp lý và ổn định.
Nguyễn Hoàng