Sau những ngày vui Xuân, đón Tết Ất Tỵ, cán bộ nhân viên (CBNV) ngành Y tế lại phấn khởi với ngày hội của mình, kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2. Ngày 27/2/2025, CBNV ngành Y trong cả nước, vui mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống của ngành. Mặc dù Bác đã đi xa hơn 55 năm, nhưng những lời dạy của Bác còn mãi vang vọng, thấm sâu trong tâm trí người “Chiến sỹ áo trắng”, trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam. Học tập và làm theo lời dạy của Bác, các thế hệ y, bác sỹ nói chung, đội ngũ CBNV và thầy thuốc Trạm Y tế xã Cảnh Dương nói riêng đã phát huy truyền thống của quê hương, không ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng làm hết sức mình vì sức khỏe nhân dân.
Cách đây 70 năm, ngày 27/2/1955, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ chủ chốt ngành Y tế, Người căn dặn: “Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Thứ hai, phải thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, “Lương y phải như từ mẫu”. Thứ ba, phải xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta và thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú nên nghiên cứu, phối hợp thật tốt”.
Ba mươi năm sau, với ý nghĩa sâu sắc của bức thư, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, có biết bao cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã có mặt trên khắp các chiến trường, để chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, hoặc trực tiếp cầm súng chiến đấu chống giặc. Trong số đó, không ít người đã để lại một phần cơ thể ở mặt trận, mang trong mình những căn bệnh quái ác do chất độc hóa học, nhiều người đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ và nhân viên ngành Y tế tiếp tục học tập, tìm hiểu và cứu chữa người bệnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của quê hương, đất nước, đội ngũ thầy thuốc và CBNV Trạm Y tế Cảnh Dương cũng không ngoại lệ.
Trạm Y tế xã Cảnh Dương được đầu tư cơ sở vật chất khang trang.
Trạm Y tế xã Cảnh Dương hiện có 7 CBNV, trong đó có 1 bác sĩ phụ trách trưởng trạm; 1 y sĩ đa khoa, 1 y sỹ Đông y; 1 điều dưỡng trình độ đại học; 1 Dược sĩ trình độ cao đẳng, 1 nữ hộ sinh trình độ cao đẳng, 1 nhân viên phụ trách dân số trình độ cao đẳng và 9 y tế thôn bản ở các thôn đang tiếp tục hợp đồng trở lại. Cùng với việc thực hiện 8 nhóm chức năng nhiệm vụ chính của trạm y tế; đơn vị còn thực hiện đầy đủ, hiệu quả 10 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế xã, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành chăm sóc sức khỏe; Nhân lực y tế; Cơ sở hạ tầng; Trang thiết bị, thuốc và các phương tiện khác; Y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; Công tác khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và y học cổ truyền; Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; Công tác Dân số - KHHGĐ; Truyền thông giáo dục sức khoẻ và Ứng dụng công nghệ thông tin.
Trên cơ sở địa phương có hệ thống truyền thanh cơ sở hoạt động khá hiệu quả, đã giúp Trạm Y tế xã phối hợp làm tốt công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Thông qua loa truyền thanh, các chủ trương, kế hoạch của địa phương về y tế được chuyển tải kịp thời tới tận người dân. Hàng năm, Trạm đã tham mưu cho chính quyền xã, tiến hành phát động tổng vệ sinh toàn xã từ 5-6 đợt. Nhất là kiểm tra triệt tiêu các điều kiện phát sinh bọ gậy, nhằm làm tốt công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn.
Là địa phương thuận tiện giao thương, số người tham gia buôn bán đường dài từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… thậm chí từ Trung Quốc có số lượng khá lớn, tiềm ẩn khả năng mang các nguồn lây nhiễm về địa phương rất cao, nhất là dịch cúm các loại và các dịch bệnh nguy hiểm khác. Nhờ đẩy mạnh kết hợp các giải pháp giám sát dịch bệnh, tình hình sức khoẻ nhân dân ở Cảnh Dương tương đối ổn định, tạo được niềm tin từ cấp uỷ, chính quyền và nhân dân.
Dù vậy, trong thời gian qua công tác chuyên môn của Trạm vẫn còn gặp phải một số khó khăn. Đó là số lượng vắc-xin chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho trẻ. Là địa bàn trung tâm, người bệnh đến khám chữa bệnh tại Trạm không chỉ là người dân địa phương mà còn ở các địa bàn khác, trong khi đó lực lượng của Trạm, nhất là các Y tế thôn bản đang giảm biên chế, đòi hỏi áp lực công tác dồn lên những người vẫn bám Trạm, bám dân từng ngày.
Qua gian nan càng nhớ những ngày đại dịch Covid-19, các thầy thuốc và cán bộ nhân viên Trạm Y tế xã đã vận hành hết công suất, cố gắng đảm bảo cho địa phương giữ vững vùng xanh. Hầu hết anh chị em cán bộ, thầy thuốc của Trạm đã không chút nao núng, quyết tâm đứng vững trên tuyến đầu dập dịch. Đi đầu tuyên truyền, hướng dẫn khoanh vùng, truy vết; trực tiếp giúp nhân dân thực hiện 5K. Chính trong những ngày tháng đầy thử thách đó, bản lĩnh người chiến sỹ áo trắng đã thể hiện rõ nét nhất. Dịch bệnh bị đẩy lùi, mỗi người dân trên đất nước Việt Nam nói chung, xã Cảnh Dương nói riêng càng ghi nhận và tri ân đội ngũ những người thầy thuốc Việt Nam, những chiến sỹ tiên phong trên trận tuyến chống dịch.
Bước vào giai đoạn mới, trước yêu cầu nhiệm vụ của ngành và nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, đặt ra cho Trạm Y tế xã và mỗi thầy thuốc những trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi người chiến sỹ y tế phải xác định tốt mục tiêu phấn đấu của mình. Giữa ngày xuân hôm nay, khi ngành Y tế trong cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam, chúng ta không khỏi bùi ngùi nhớ tới bao chiến sỹ áo trắng đã mãi mãi đi xa vì nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân. Ghi sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu, 70 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, những người làm công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân xã Cảnh Dương đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực hết mình, luôn có mặt trong mọi lúc, mọi nơi theo yêu cầu của nhiệm vụ.
Trạm Y tế xã Cảnh Dương luôn nỗ lực nâng cao công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Bằng tinh thần lao động nhiệt tình và tấm lòng yêu thương người bệnh, những người thầy thuốc Cảnh Dương qua các thời kỳ đã không phụ lòng tin của Đảng, chính quyền và nhân dân, không ngừng phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Phát huy kinh nghiệm chữa bệnh của ông cha, kết hợp nắm bắt nhanh chóng nhiều thành tựu y học tiên tiến, có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển đi lên của xã nhà. Trong điều kiện Trạm Y tế xã vừa được nâng cấp về cơ sở hạ tầng, với những trang thiết bị khám, chữa bệnh tiên tiến từng bước được đầu tư. Các thầy thuốc Trạm Y tế xã Cảnh Dương đã khắc phục khó khăn, thiếu thốn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao y đức và lời dạy của Bác, phối hợp chặt chẽ cùng các thôn, các ban ngành, nâng cao hiệu quả xã hội hóa trên lĩnh vực y tế, vì sức khoẻ của nhân dân.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện; sự lãnh đạo của Đảng uỷ, chính quyền xã, sự hợp tác tích cực của các thôn; sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ thầy thuốc và CBNV Trạm Y tế. Năm 2004, lần đầu tiên xã Cảnh Dương được công nhận “Xã đạt chuẩn quốc gia về Y tế cơ sở”. Không chỉ tiếp tục duy trì “Xã đạt chuẩn quốc gia về Y tế cơ sở”, mà còn đủ điều kiện đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế xã đến năm 2030, theo tình thần Quyết định 1300/QĐ-BYT ngày 9/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Trong niềm vui ngày hội của ngành Y tế hôm nay, mỗi người dân xã Cảnh Dương phấn khởi gửi tới các CBNV, đội ngũ thầy thuốc Trạm Y tế xã, lời chúc mừng năm mới, mạnh khoẻ, hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; góp phần giữ vững Danh hiệu “Xã đạt chuẩn quốc gia về Y tế cơ sở”, theo đúng tinh thần 10 tiêu chí được nêu trong Quyết định 1300 của Bộ Y tế; góp phần làm tốt công tác giữ gìn sức khoẻ nhân dân, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.
Nguyễn Tiến Nên