Sáng ngày 12/4, Sở Y tế Quảng Bình đã tổ chức hội nghị trực tuyến công tác y tế 3 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong 9 tháng tiếp theo. Đồng chí Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị.
Bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại Hội nghị
Dự hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế có đại diện BHXH tỉnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, Ban Quân Y Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Quân Y Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, đại diện lãnh đạo các phòng thuộc cơ quan Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế TP. Đồng Hới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Hội nghị kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại các Bệnh viện, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, Ngành Y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Báo cáo tại hội nghị cho thấy công tác phòng chống dịch bệnh ngày càng được triển khai có hiệu quả, tính đến ngày 25/3/2024 toàn tỉnh ghi nhận 101 ca sốt xuất huyết, tăng 9,8% so với cùng kỳ (101/92) và không ghi nhận ca tử vong đối với dịch bệnh nguy hiểm này. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các Trung tâm Y tế tuyến huyện thực hiện tốt công tác giám sát các loại dịch bệnh khác như: tay chân miệng, sởi, thủy đậu, cúm A, sốt rét cùng các dịch bệnh truyền nhiễm khác nên dịch bệnh nói chung trên toàn tỉnh đã được kiểm soát ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn.
Ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH tỉnh đánh giá công tác khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh.
Công tác khám chữa bệnh tiếp tục được duy trì và phát huy tốt hoạt động khám chữa bệnh tại các tuyến, các bệnh viện và trung tâm y tế tiếp tục duy trì hoạt động “Ngày hội 5S”. Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có hơn 132 nghìn lượt khám chữa bệnh tại các bệnh viện và hơn 95 nghìn lượt tại các trạm y tế, trong đó có gần 24 nghìn lượt điều trị nội trú, công suất sử dụng giường bệnh đạt 32,25%, các chỉ tiêu về phẫu thuật, siêu âm, chụp X quang… đều đạt kế hoạch đề ra.
Các chương trình y tế như: tiêm chủng mở rộng, an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác dân số/KHHGĐ, sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, công tác dược… đều được duy trì tốt, đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Bs. Nguyễn Ngọc Ánh, Phó giám đốc CDC tỉnh báo cáo tham luận về công tác y tế dự phòng
Nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thời gian qua ngành Y tế đã triển khai đồng bộ các hoạt động chuyển đổi số y tế, hướng đến một nền y tế thông minh, hiện đại, phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe người dân, ngành đã tích cực phối hợp với Viettel Quảng Bình thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) để quản lý sức khỏe người dân, tính đến ngày 26/3/2024 đã có 956.390 người dân được quản lý sức khỏe trên hệ thống HSSKĐT đạt tỷ lệ 98,8%.
Hiện nay đã có 6/7 bệnh viện đa khoa đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống Telehealth và đăng ký tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, có 237 cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã đăng kí kê đơn thuốc điện tử, 176/176 cơ sở KCB BHYT tiếp đón KCB bằng CCCD gắn chip, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân…
Về công tác triển khai bệnh án điện tử hiện nay còn gặp không ít khó khăn, việc triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy yêu cầu phải đạt các tiêu chí của Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh, bộ tiêu chí này yêu cầu các cơ sở vật chất và hạ tầng ở mức nâng cao trong khi các bệnh viện đang chỉ đạt ở mức tối thiểu, bên cạnh đó cơ chế về quy định triển khai bệnh án điện tử về quy định an toàn bảo mật thông tin chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến việc triển khai bệnh án điện tử còn gặp nhiều khó khăn.
Toàn cảnh điểm cầu Sở Y tế
Tại Hội nghị các đại biểu tham dự đã đóng góp tham luận về các vấn đề trọng tâm như: Công tác KCB BHYT trên địa bàn tỉnh; công tác phòng chống dịch triển khai một số chương trình tiêm chủng mở rộng; phòng chống suy dinh dưỡng, thực trạng khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình MTQG; công tác triển khai hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế… Thông qua đó, nhiều đại biểu cũng đã đưa ra những khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh và cùng nhau thảo luận đồng thời đưa ra các phương hướng khắc phục cụ thể tại mỗi địa phương.
Các điểm cầu trực tuyến tại các địa phương
Phát biểu kết luận tại hội nghị, bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế đã ghi nhận những kết quả mà các đơn vị y tế đã đạt được trong quí I/2024. Thời gian tới, đồng chí Giám đốc Sở yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, tăng cường phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh để sớm khắc phục những vướng mắc phát sinh, tránh tình trạng “vượt trần” “vượt quỹ” trong khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người bệnh tham gia BHYT. Bên cạnh đó xây dựng kế hoạch cụ thể để mua thuốc, vật tư tiêu hao, tránh tình trạng thiếu thuốc để phục vụ người dân; tiếp tục ổn định hệ thống y tế và từng bước triển khai khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình; chú trọng phát triển các kỹ thuật mới, phương pháp mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; phát huy những thành tựu của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh; tăng cường xây dựng mô hình 5S và bệnh viện "Xanh – sạch – đẹp" đi đôi với việc nâng cao quy tắc ứng xử lấy người bệnh làm trung tâm.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng chí Giám đốc Sở yêu cầu CDC là đơn vị đầu mối phải chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền từ động vật sang người, chú trọng tuyên truyền phòng chống bệnh dại, bệnh sốt xuất huyết… cần đảm bảo nguồn vắc xin trong công tác tiêm chủng để phục vụ người dân; khẩn trương tiến hành điều tra và đề xuất phương án can thiệp về tỉ lệ suy dinh dưỡng trên địa bàn, đồng tời tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở nhằm đáp ứng ngày càng cao nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nguyễn Trang