(QBĐT) - Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề khám, chữa bệnh (KCB), dịch vụ thẩm mỹ; kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn toàn tỉnh năm 2024. Qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở, đoàn công tác đã phát hiện, nhắc nhở và kiên quyết xử phạt nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.
Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật
Toàn tỉnh hiện có 281 cơ sở hành nghề y ngoài công lập được cấp giấy phép hoạt động; 788 cơ sở hành nghề sản xuất và kinh doanh dược được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh dược.
Theo Giám đốc Sở Y tế Dương Thanh Bình, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước tăng cường kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, như: Có cơ sở hành nghề y, dược hoạt động không phép; một số cơ sở KCB hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn; quảng cáo dịch vụ KCB... làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, cung cấp các dịch vụ y tế không bảo đảm an toàn, gây dư luận không tốt trong xã hội.
Nhằm tăng cường công tác quản lý về hoạt động hành nghề y, dược tư nhân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Sở Y tế đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng y tế phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, chú trọng các cơ sở có dấu hiệu vi phạm, đặc biệt là cơ sở hoạt động không có giấy phép; tập trung giải quyết dứt điểm những cơ sở hành nghề y, dược không phép, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa hoạt động trá hình...; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các cơ sở vi phạm theo quy định nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa tái phạm và để người dân biết, phòng tránh. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông cho người dân về tác hại đến sức khỏe khi sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ sở không phép, cơ sở cung cấp dịch vụ quá phạm vi cho phép.
Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra cơ sở hành nghề dược trên địa bàn TP. Đồng Hới.
Từ trung tuần tháng 7/2024 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì đã triển khai kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề KCB, dịch vụ thẩm mỹ, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại 35 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh (2 cơ sở hành nghề y, 7 cơ sở hành nghề dược và 26 dịch vụ spa thẩm mỹ).
Chánh Thanh tra Sở Y tế Mai Thanh Hải cho biết: Tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các cơ sở hành nghề y tư nhân đều chấp hành nghiêm túc các quy định về chuyên môn trong KCB; các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ được cấp giấy phép kinh doanh và nhân viên có chứng chỉ chăm sóc da đúng theo quy định. Đối với các cơ sở hành nghề dược việc mua, bán thuốc, bảo quản thuốc thực hiện theo các quy trình thao tác chuẩn SOP; không có trường hợp kinh doanh thuốc không được phép lưu hành, thuốc quá hạn dùng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; các cơ sở có kinh doanh thuốc kiểm soát đặc biệt (thuốc gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất) đã chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh dược; việc kinh doanh thực phẩm chức năng đã xuất trình được giấy xác nhận công bố sản phẩm thực phẩm chức năng, có số công bố đăng ký lưu hành của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra tại các cơ sở, đoàn công tác đã phát hiện một số tồn tại và nhắc nhở 10 cơ sở, xử phạt 6 cơ sở với tổng số tiền 55 triệu đồng.
Khó kiểm soát dịch vụ spa thẩm mỹ
Theo Sở Y tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh số lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tăng cao, nhiều cơ sở thuộc loại hình phải cấp giấy phép hoạt động KCB nhưng vẫn hoạt động khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép theo quy định pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân khi sử dụng dịch vụ tại các cơ sở này.
Theo quy định tại khoản 12, Điều 40, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP, ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh: “Cơ sở có cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ dưới đây hoặc có sử dụng sản phẩm có tác dụng dược lý phải được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa: a) Dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) nhằm: Làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, tăng cân nặng, giảm cân nặng (giảm béo, giảm mỡ cơ thể); khắc phục khiếm khuyết hoặc tạo hình theo ý muốn đối với các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người); tái tạo, phục hồi tế bào hoặc bộ phận hoặc chức năng cơ thể người. b) Dịch vụ xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm”.
Kiểm tra cơ sở dịch vụ spa thẩm mỹ.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nào được cấp giấy phép hoạt động bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Song thực tế cho thấy, một số cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn đã công khai quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, băng rôn, bảng hiệu về dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người… thu hút đông đảo sự quan tâm, gây hiểu nhầm cho người dân.
Trong đợt này, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra 26 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, phát hiện 10 cơ sở tại thời điểm kiểm tra có thiết bị phát tia laser dùng để thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ (triệt lông, xóa xăm...); 3 cơ sở dịch vụ spa thẩm mỹ quảng cáo không đúng quy định. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở không sử dụng thiết bị phát tia laser để thực hiện các dịch vụ, kỹ thuật và xử lý vi phạm hành chính đối với một số cơ sở.
Chánh Thanh tra Sở Y tế khẳng định: “Tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo quy định tại khoản 12, Điều 40, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP đều phải được cấp giấy phép hoạt động KCB. Nhưng hiện tại, trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế chưa cấp phép cho bất cứ cơ sở KCB thẩm mỹ nào. Chủ yếu là spa thẩm mỹ do Sở Kế hoạch-Đầu tư hoặc Phòng Tài chính-Kế hoạch các huyện, thành phố, thị xã cấp ngành nghề kinh doanh không thuộc loại hình KCB lĩnh vực y tế. Nếu các cơ sở thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép KCB thẩm mỹ thì công tác kiểm tra sẽ không khó… nhưng các spa thẩm mỹ lợi dụng để thực hiện các hoạt động thẩm mỹ xâm lấn thì công tác quản lý, kiểm tra rất khó vì không bắt được quả tang…”.
6 cơ sở bị xử phạt hành chính trong đợt kiểm tra năm 2024: Phòng khám tai mũi họng Tâm An (Minh Hóa) vi phạm niêm yết không đầy đủ giá dịch vụ KCB, bị phạt 2 triệu đồng; 2 cơ sở của nhà thuốc Long Châu (1711 ở Bố Trạch và 1683 ở Tuyên Hóa) vi phạm niêm yết giá không đầy đủ tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược, bị phạt 8 triệu đồng; 3 cơ sở thẩm mỹ tại địa bàn TP. Đồng Hới bị phạt với tổng số tiền 45 triệu đồng: Thẩm mỹ quốc tế Casa, Viện thẩm mỹ quốc tế Korea Premium, Viện thẩm mỹ Mega Korea vi phạm: Quảng cáo có sử dụng từ ngữ “tốt nhất”, “số một” mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định. |
Để tăng cường quản lý đối với các cơ sở có cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh, phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Sở Y tế đề nghị Sở Thông tin-Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP đối với loại hình cung cấp dịch vụ thẩm mỹ cho các cơ sở, người dân biết, thực hiện và lựa chọn, sử dụng dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở có uy tín, có đủ điều kiện theo quy định.
Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, băng rôn, bảng hiệu và các phương tiện truyền thông khác; xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp quảng cáo vượt quá phạm vi cho phép, vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo của các cơ sở có cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, chính quyền các địa phương tăng cường hậu kiểm sau cấp phép đăng ký kinh doanh để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm; xử lý nghiêm các cơ sở thực hiện các kỹ thuật xâm lấn, phẫu thuật thẩm mỹ nhưng không có giấy phép hoạt động KCB; khuyến khích người dân trên địa bàn khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ về hoạt động KCB không phép, nhất là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ “trá hình” cung cấp ngay thông tin đến các cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Nội Hà