Sidebar Menu

Chiều ngày 30/8/2024, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai ứng dụng công nghệ Y học cao áp trong cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị chăm sóc sức khỏe nhân. Tham dự có GS.TS Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch hội đồng KHCN Viện Y học biển, Chủ tịch Hội Y học Biển Việt Nam.  Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở  Y tế, đại diện lãnh đạo bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố, bệnh viện Y Dược cổ truyền, bệnh viện TTH Quảng Bình và bệnh viện Hữu Nghị Quảng Bình.

z5782560938805_223f30bd5e89a568775b4fa260cb9b88.jpg
Quang cảnh hội nghị

Tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Trường Sơn Chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Y học biển, đảo và Y học cao áp đã trình bày ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ y học cao áp trong lâm sàng, các chỉ định ứng dụng y học cao áp trên bệnh nhân. Đây là một phương pháp đã được nghiên cứu và ứng dụng tại các nước phát triển từ những năm 50 của thế kỷ XX, và đã được triển khai thực hiện tại nhiều bệnh viện ở nước ta, đem lại hiệu quả cao trong công tác điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời tư vấn về phát triển mạng lưới y tế biển và chuyên ngành cao áp phục vụ cho cấp cứu biển, cũng như tư vấn về công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nhân lực về y học biển và y học cao áp.

Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Oxy cao áp được ứng dụng trong cấp cứu và hồi sức, điều trị các bệnh lý nội, ngoại khoa và các chuyên khoa khác trong lâm sàng như phục hồi chức năng, phục hồi sức khỏe. Đặc biệt, Oxy cao áp được ứng dụng đem lại hiệu quả cao trong điều trị ngộ độc các loại khí độc, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim cấp, các bệnh lý mạch máu, chấn thương, bỏng, sau cấy ghép da, ghép mô và cơ quan,… góp phần làm tăng cơ hội cứu sống người bệnh và giúp người bệnh hồi phục sức khoẻ tốt hơn.

z5782532968384_50b0b2b09ea24f62c798388c39277323.jpg
GS.TS Nguyễn Trường Sơn trình bày về ứng dụng của y học cao áp trong lâm sàng

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe về tình hình triển khai Chương trình phát triển Y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời đã cùng nhau thảo luận một số vướng mắc, khó khăn khi thực hiện tại địa phương.

Phát biểu kết luận hội nghị, bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Quảng Bình là tỉnh có vị trí địa lý sát biển, việc triển khai chương trình Y tế biển đảo sẽ góp phần quan trọng trong củng cố, tăng cường năng lực, chất lượng và khả năng cung ứng dịch vụ y tế. Ngoài ra, giúp cho người dân vùng biển đảo được trang bị nhiều kiến thức, kĩ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu khi chưa đến được các cơ sở y tế…qua đó đáp ứng tốt nhu cầu bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe quân và nhân dân khu vực biển đảo.

z5782533686115_c3d12a8918d86d3e11851c50c3b8e8d6.jpg
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu kết luận hội nghị

Để triển khai có hiệu quả, Ngành Y tế sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực cho lĩnh vực mới như y học dưới nước, cao áp lâm sàng, y học du lịch biển; đầu tư trang thiết bị đặc chủng phục vụ cho y học biển, nhằm phục vụ tốt việc điều trị cấp cứu các tình huống tai nạn đắm tàu, thuyền; đồng thời huấn luyện các kỹ năng cấp cứu các thảm họa cho thuyền viên tàu du lịch, tàu cá, tàu vận tải biển… từng bước đáp ứng toàn diện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Hoàng Loan