(QBĐT) - Chiều nay, 7/12, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII, trong phiên chất vấn, đại biểu Trần Sơn Tùng đã chất vấn Giám đốc Sở Y tế Dương Thanh Bình về "Việc chi trả chế độ phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số"; "Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập".
Sở Y tế đang xin chủ trương để chi trả cho CTV dân số trong thời gian chống dịch Covid-19
Trả lời về những vấn đề chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Y tế Dương Thanh Bình cho biết: Ngày 25/1/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ của CTV dân số có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2021; theo đó, HĐND tỉnh quyết định mức chi bồi dưỡng đối với CTV dân số.
Năm 2021, Sở Y tế đã đề xuất và được UBND tỉnh giao tham mưu dự thảo tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách dân số và phát triển tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Sở Y tế đã xây dựng dự thảo tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh; trong đó có nội dung về chính sách hỗ trợ CTV dân số thôn, bản, tổ dân phố.
Tuy nhiên, do chưa thống nhất về định mức hỗ trợ cụ thể, chi tiết cho các chương trình, đề án hoạt động và phương thức phân bổ nguồn kinh phí hàng năm, Sở Y tế đã có công văn xin hoãn thời gian trình ban hành nghị quyết.
Đại biểu Trần Sơn Tùng chất vấn tại kỳ họp 12, HĐND tỉnh khoa XVIII.
Mặt khác, từ tháng 5/2021, dịch Covid-19 bắt đầu dễn biến phức tạp, ngành Y tế cùng với các ngành, địa phương chung tay tập trung triển khai các biện pháp chống dịch, thực hiện triệt để việc cách ly y tế; tăng cường điều tra, truy vết lấy mẫu xét nghiệm; bảo đảm công tác thu dung điều trị bệnh nhân; hạn chế tử vong do Covid-19... Những nguyên nhân chủ quan và khách quan nêu trên đã dẫn tới sự chậm trễ trong việc tham mưu cho UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định phụ cấp CTV dân số.
Đến ngày 27/5/2022, HĐND tỉnh mới ban hành Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND quy định mức chi bồi dưỡng hàng tháng cho CTV dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/6/2022.
Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu HĐND, UBND tỉnh phân bổ ngân sách để chi trả chế độ bồi dưỡng hàng tháng cho CTV dân số. Cụ thể, năm 2022, phân bổ 1.855 triệu đồng để chi trả bồi dưỡng hàng tháng cho CTV dân số năm 2022 (7 tháng, từ tháng 6-12/2022); năm 2023 đã phân bổ 3.268 triệu đồng để chi trả bồi dưỡng hàng tháng cho CTV dân số năm 2023.
Đối với phụ cấp CTV dân số 5 tháng đầu năm 2022, mặc dù vẫn thực hiện các công việc theo chức năng nhiệm vụ được giao, tuy nhiên, do nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2022, nên chưa có cơ sở pháp lý để phân bổ kinh phí chi trả trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực.
Giám đốc Sở Y tế Dương Thanh Bình trả lời chất vấn của đại biểu HĐND.
Vì vậy, hiện nay Sở Y tế xin chủ trương của cơ quan có thẩm quyền về việc xem xét, đồng ý sử dụng kinh phí Nhà nước để chi trả bồi dưỡng hàng tháng cho CTV dân số 5 tháng đầu năm 2022 số tiền: 1.344.000.000 đồng để bảo đảm quyền lợi, giúp đội ngũ CTV dân số an tâm công tác, đóng vai trò là cánh tay nối dài của mạng lưới dân số tại cơ sở. Đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh quan tâm, xem xét.
Các đơn vị y tế sẽ cố gắng hoàn thành chi trả chế độ theo Nghị định 05 trong năm 2024
Thực hiện Nghị định số 05/2023/NĐ-CP của Chính phủ, căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và trên cơ sở nhu cầu kinh phí của các đơn vị, Sở Y tế đã rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài chính nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 05/2023/NĐ-CP là 170.780 triệu đồng cho 2.756 đối tượng và nguồn dự phòng cải cách tiền lương của đơn vị còn lại để thực hiện Nghị định số 05/2023/NĐ-CP là 61.801 triệu đồng.
Ngày 27/11/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3367/QĐ-UBND về việc cấp kinh phí phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ công tác tại cơ sở y tế công lập theo quy định của Nghị định số 05/2023/NĐ-CP.
Theo đó, đối với 14 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần và do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (gồm 8 trung tâm y tế, 5 bệnh viện đa khoa huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), tổng nhu cầu thực hiện là 143.913 triệu đồng; đơn vị phải sử dụng 51.866 triệu đồng từ nguồn cải cách tiền lương, ngân sách hỗ trợ 106.640 triệu đồng để chi trả phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở tăng thêm.
Đối với 2 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên (Bệnh viện ĐKKV Bắc Quảng Bình và Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới): Tổng nhu cầu thực hiện là 26.867 triệu đồng; đơn vị phải sử dụng 9.935 triệu đồng từ nguồn cải cách tiền lương, đề xuất ngân sách hỗ trợ 16.932 triệu đồng.
Theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính thì các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên tự đảm bảo nhu cầu tiền lương tăng thêm. Tuy nhiên, Nghị định số 05/2023/NĐ-CP lại không quy định rõ.
Bên cạnh đó, việc tính toán khả năng tự chủ tài chính của đơn vị được thực hiện vào năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách (năm 2021), chưa bao gồm các khoản kinh phí này (do Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ban hành trong năm 2023).
Ngành Y tế Quảng Bình có hơn 2.700 đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp nghề tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện nay, Sở Tài chính đã tổng hợp nhu cầu thực hiện Nghị định số 05/2023/NĐ-CP toàn tỉnh (bao gồm nhu cầu của các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên) tham mưu UBND tỉnh gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong tổng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 của tỉnh Quảng Bình.
Khi có quyết định về số dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 của các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương, trên cơ sở kết quả thông báo, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện.
Qua chất vấn thêm của đại biểu Trần Sơn Tùng, Giám đốc Sở Y tế cho biết về khả năng thực hiện chi trả cụ thể, đối với 8 Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa: Ngân sách gần như hỗ trợ toàn bộ (do đơn vị không còn nguồn cải cách tiền lương), do vậy, sau khi rà soát lại đối tượng, kinh phí thực hiện chi trả cho từng đối tượng, các đơn vị này sẽ thực hiện chi trả toàn bộ cho người lao động, bảo đảm theo chế độ hiện hành.
Còn đối với Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Bố Trạch và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Sở Y tế đã có công văn yêu cầu đơn vị sử dụng nguồn kinh phí được ngân sách hỗ trợ tại Quyết định số 3367/QĐ-UBND; đồng thời cân đối nguồn kinh phí cải cách tiền lương tại đơn vị để bảo đảm chi trả đầy đủ chế độ cho cán bộ theo quy định.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số đơn vị do nguồn cải cách tiền lương hiện có không bảo đảm theo quy định nên việc chi trả cho người lao động sẽ gặp khó khăn. Dự kiến, việc chi trả toàn bộ một lần trong năm đối với các đơn vị nêu trên là khó thực hiện. Các đơn vị sẽ cố gắng cân đối nguồn kinh phí, bảo đảm hoàn thành chi trả chế độ cho cán bộ trong năm 2024.
Theo Nội Hà (BQB)