(QBĐT) - Năm 2023, đánh dấu mốc tròn 40 năm thế giới tìm ra vi rút HIV và Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó với đại dịch này. Với việc tích cực triển khai các hoạt động về can thiệp dự phòng, điều trị HIV, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, thách thức lớn rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
HIV/AIDS hiện vẫn là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng
Theo số liệu 8 tháng năm 2023 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây.
Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,1% năm 2021) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 2,5% năm 2022). Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bác sĩ CDC tỉnh tư vấn và cấp phát thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12,1%. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,95% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 12,5% năm 2022).
Số nam quan hệ đồng tính chiếm khoảng 42,3% trong số người nhiễm HIV được phát hiện 8 tháng năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16-29 tuổi chiếm 41,7%; đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).
Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 16-29 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 88,5% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 76,9% trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.
Cộng đồng sáng tạo trong phòng, chống HIV/AIDS
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đỗ Quốc Tiệp: Sau hơn 30 năm phòng, chống HIV/AIDS, có rất nhiều sáng kiến hay, mô hình hiệu quả đã được áp dụng trong truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, trong tiếp cận dịch vụ từ dự phòng lây nhiễm HIV, can thiệp giảm hại đến điều trị liên quan đến HIV/AIDS.
Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, có những thay đổi về các yếu tố dịch tễ HIV/AIDS, nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS, hệ thống tổ chức cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, cùng với sự hiểu biết của người dân về HIV, sự chia sẻ đồng cảm với người nhiễm HIV… được nâng lên trong sự phát triển chung của toàn xã hội thì công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp hơn.
Hiện tại, Quảng Bình có 347 người nhiễm HIV đang còn sống. Trong đó, số bệnh nhân được điều trị ARV người lớn đạt trên 100%; tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV và con của họ được dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV đạt 100%; tỷ lệ bệnh nhân HIV mắc lao được điều trị đồng thời lao và ARVđạt 100% và tỷ lệ người nghiện chích ma túy tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm đạt trên 200%. |
Tại Quảng Bình, tính đến ngày 20/11/2023 số người nhiễm HIV toàn tỉnh là 490 trường hợp (tăng 21 trường hợp so với năm 2022), trong đó tử vong 143 người, hiện tại 347 người nhiễm HIV đang còn sống. 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 130/151 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV (tăng 5 xã, phường so với cùng kỳ năm trước). Từ số liệu giám sát cho thấy, nam giới ở tỉnh ta có tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn nữ giới (nam 60%, nữ 40%). Đường lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục (71,4%), đường máu (11,6%), mẹ sang con (4,3%), không rõ nguyên nhân chiếm 12,7%.
Thời gian qua, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ; phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, các hoạt động truyền thông, tư vấn phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, các nhóm dân cư đặc thù của từng địa phương… được triển khai mạnh mẽ.
Cùng với hoạt động tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống dịch cho đội ngũ y tế cơ sở, CDC tỉnh đã tập trung tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao tại cộng đồng các huyện Lệ Thủy, Minh Hóa, Bố Trạch; tăng cường giám sát hỗ trợ kỹ thuật cơ sở điều trị Methadone tại 2 huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa. Trong 11 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã xét nghiệm được 16.530 mẫu, phát hiện 20 trường hợp dương tính với HIV.
Tiếp tục duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị Methadone.
Quảng Bình hiện có 286 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị; 100% bệnh nhân được khám, cấp phát thuốc qua Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Tại 3 cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh đang tư vấn điều trị cho 133 trường hợp. Cùng với đó, ngành Y tế cũng tăng cường dự phòng lây truyền từ mẹ sang con; phát hiện, kết nối dịch vụ điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS với các chương trình lao, da liễu…
Giám đốc CDC tỉnh khẳng định: Quảng Bình đã và đang từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS. Ngành Y tế đã cùng các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là Quỹ BHYT chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS.
Tuy nhiên, những năm gần đây xu hướng dịch có dấu hiệu thay đổi, gia tăng nhiễm mới trong nhóm trẻ tuổi; diễn biến phức tạp ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và nhân viên y tế rất khó tiếp cận để hỗ trợ ở nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự thiếu hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư đã và đang là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV và các nhóm nguy cơ cao.
Hưởng ứng chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS tại Việt Nam năm nay: “Cộng đồng sáng tạo-Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và cả cộng đồng trong xây dựng ý thức phòng, chống HIV/AIDS; cần có những cách làm sáng tạo trong tiếp cận đối tượng nguy cơ cao, đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV; duy trì và mở rộng hệ thống điều trị nghiện chất bằng Methadone; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, điều trị kháng vi rút chất lượng, hiệu quả… để AIDS không còn cướp đi sinh mạng của người Việt.
Bộ Y tế khẳng định tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện: Cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ các dịch vụ HIV có chất lượng để đẩy lùi và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. |
Theo Nội Hà (BQB)