Xác định trạm y tế xã, phường có vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực về số lượng bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến trên; thời gian qua, ngành Y tế Quảng Bình đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất khám chữa bệnh đào tạo chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường. Nhờ đó, hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện khá đồng bộ, người dân được tiếp cận gần hơn với các dịch vụ y tế chất lượng, góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Theo báo cáo của Trung tâm y tế TX.Ba Đồn, năm 2023, toàn thị xã có trên 38.500 lượt người đến khám chữa bệnh tại các trạm y tế trên địa bàn; trong đó trên 33.000 lượt người bệnh khám chữa bệnh kê đơn BHYT. Để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại cơ sở, các trạm y tế xã, phường, thị xã Ba Đồn chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp và tu sửa các trạm bằng nguồn ngân sách công và vốn do Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (World Bank) tài trợ. Bác sĩ Nguyễn Phúc Kỳ, Giám đốc Trung tâm y tế TX.Ba Đồn cho biết: Hiện trên địa bàn đã được đầu tư xây mới 2 trạm y tế, sữa chữa nâng cấp trụ sở Trung tâm và 6 trạm y tế. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã chỉ đạo các trạm y tế triển khai hiệu quả công tác xây dựng trạm y tế theo mô hình 5S xanh – sạch – đẹp, chuyển đổi số tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân trên địa bàn đã mang lại hiệu quả cao trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Trạm y tế xã Quảng Lộc được đầu tư xây dựng khang trang hiện đại để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.
Một trong những công trình trạm y tế sớm được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại là trạm y tế xã Quảng Lộc. Đây là trạm y tế có quy mô khá lớn, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho gần 9.000 người dân địa phương. Không chỉ xây mới trụ sở, trạm còn được đầu tư bàn khám bệnh, các loại tủ và giường y tế; máy tính, bàn làm việc…. Các phòng chức năng được bố trí khoa học với khu vực tiêm - cấp cứu, chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám bệnh…. Cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp tạo điều kiện thuận lợi để các y, bác sĩ thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhằm hình thành thói quen mới cho người bệnh, hướng dẫn người bệnh cách tự theo dõi thông tin, lịch sử khám bệnh của mình thông qua các nền tảng số góp phần chuyển đổi số trong quá trình khám chữa bệnh, trạm y tế xã Quảng Lộc đã triển khai tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đồng thời cài đặt Ứng dụng sức khỏe điện tử cho người dân. Hồ sơ sức khỏe điện tử là kho lưu giữ thông tin sức khỏe cá nhân, cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh tật và thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Đến nay, có gần 8.500 người dân trên địa bàn xã Quảng Lộc được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử, đạt trên 97%. Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng Trạm y tế xã Quảng Lộc, TX. Ba Đồn cho biết: Trạm đã được ngành Y tế quan tâm đầu tư khối nhà mới 2 tầng, khang trang, đầy đủ với 12 phòng chức năng, đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế đề ra. Ngoài ra, các trang thiết bị, cơ sở vật chất đều được nâng cấp và đổi mới. Trung tâm Y tế cũng liên tục cử cán bộ của trạm y tế đi học các lớp đào tạo ngắn hạn cũng như dài hạn để làm chủ các trang thiết bị được trang cấp.
Phú Định là địa phương còn nhiều khó khăn của huyện Bố Trạch. Trước đây Trạm y tế xã Phú Định chỉ có thể cung cấp chủ yếu dịch vụ y tế dự phòng như tiêm chủng, chẩn đoán và xử trí một số bệnh thường gặp trong khi chưa đủ năng lực quản lý điều trị các bệnh mạn tính. Vì vậy, người dân chưa được tiếp cận với những dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại. Được sự hỗ trợ của Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, đến nay công tác khám chữa bệnh trên địa bàn xã Phú Định được cải thiện hơn. Trạm y tế xã Phú Định đã được nâng cao năng lực để có thể cung cấp dịch vụ y tế đa dạng, chất lượng cho người dân. Ông Phan Văn Bổng, xã Phú Định, huyện Bố Trạch cảm nhận: Từ ngày trạm y tế được nâng cấp tôi không không còn phải lặn lội lên tuyến huyện nữa, tôi thường xuyên đến trạm y tế để khám chữa bệnh và được đội ngũ cán bộ y tế chăm sóc rất nhiệt tình. Được khám chữa bệnh gần nhà cùng với chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao nên bệnh tình cũng thuyên giảm đi rất nhiều.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Trạm y tế xã Phú Định đã thực hiện chẩn đoán và quản lý các bệnh bệnh mạn tính. Tuy mới triển khai nhưng công tác chăm sóc sức khoẻ của trạm đã mang lại những kết quả tích cực, bệnh nhân đến thăm khám tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 400 lượt bệnh nhân/tháng và hơn một nửa trong số đó là quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, giảm rất nhiều áp lực cho các bệnh viên tuyến trên.
Ngành Y tế luôn quan tâm, chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Tỉnh Quảng Bình hiện có 151 trạm y tế xã, phường, thi trấn được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Nhờ vậy , đã góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch bệnh, từng bước nâng cao tính ổn định của hệ thống y tế. Đến nay, một số chỉ tiêu của ngành Y tế Quảng Bình đạt 100% kế hoạch đề ra, điển hình như: Tỷ lệ thôn bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động; trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh... Theo thống kê, tỉnh Quảng Bình hiện có 91% tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế và đã có 11 bác sĩ/10.000 dân.
Bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết: Mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh trong thời gian vừa qua rất được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đã có rất nhiều nguồn đầu tư từ các dự án của Ngân hàng Thế giới, các nguồn đầu tư công…cho hệ thống y tế cơ sở. Ngành Y tế đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho trạm y tế cơ sở, giải quyết các vấn đề tồn đọng về thiếu thuốc cũng như chất lượng khám chữa bệnh tại trạm bằng các giải pháp rất cụ thể như: Triển khai các hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, nhân viên y tế sẽ đến gần dân hơn, chủ động kiểm soát các bệnh tật, nhất là các bệnh không lây nhiễm; tầm soát, quản lý, cấp thuốc, điều trị ngay tại trạm y tế, đồng thời chủ động chuyển tuyến kịp thời khi vượt quá khả năng chuyên môn; ngành Y tế cũng đã tập trung quản lý chất lượng các trạm theo mô hình đưa bảng kiểm chất lượng vào trong các hoạt động để đánh giá hoạt động của trạm, cũng như việc triển khai mô hình 5S tại các cơ sở y tế, nhất là trạm y tế.
Để tạo bước chuyển biến đột phá và toàn diện về y tế cơ sở cần có cơ chế chính sách đầu tư đồng bộ về cả nhân lực và vật lực. Chỉ khi y tế cơ sở được quan tâm đầu tư thỏa đáng, thì sứ mệnh của y tế cơ sở trong thực hiện chức năng dự phòng và điều trị ban đầu cho người dân mới được phát huy một cách tối đa, trở thành giải pháp hữu hiệu để khắc phục vấn đề nan giải lâu nay là tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên, giúp mọi người được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng.
Mai An