(QBĐT) - Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Phòng Tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình (CDCQB) liên tục tiếp nhận các trường hợp đến tiêm kháng huyết thanh và vắc xin phòng dại do bị chó cắn trong những ngày nghỉ Tết.
Gia tăng số người bị chó cắn dịp nghỉ Tết Nguyên đán
Chiều mồng 10 tháng giêng (19/2), bé Lý Nguyễn Gia H. (4 tuổi) ở thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) được bố và bà nội chở đến Phòng Tiêm chủng CDCQB. Tại đây, cán bộ y tế khám và tư vấn cho gia đình tiêm kháng huyết thanh cùng vắc xin phòng dại cho bé, vì vết chó cắn vùng mặt.
Trong thời gian chờ thử phản ứng thuốc trước khi tiêm, anh Lý Hoài Long, bố cháu bé cho biết: Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ngoài thời gian đi chúc Tết cùng gia đình, bé Gia H. chỉ quanh quẩn chơi với chú chó con trong nhà. Trong lúc đùa nghịch đã bị chó cắn vào má trái, nhưng cháu không nói cho bố mẹ và ông bà biết. 2 ngày trước con chó bỏ ăn và chết, sáng nay thấy má cháu sưng tấy chỗ vết xước, gặng hỏi cháu mới nói bị chó con cắn. Đến chiều, bỏ hết công việc, anh chở cháu về đây để tiêm phòng dại.
“Trong nhà nuôi 3 con chó, 2 con chó lớn đã được thú y tiêm phòng dại, còn con chó nhỏ chưa kịp tiêm thì đã cắn Gia H. và hiện con chó đã chết”, anh Long lo lắng.
Bé Lý Nguyễn Gia H. được tiêm kháng huyết thanh và vắc xin phòng dại tại CDCQB.
Tại Phòng Tiêm chủng CDCQB, cử nhân điều dưỡng Trần Thị Bình cho biết, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, số lượng người đến tiêm vắc xin phòng dại có xu hướng gia tăng. Chỉ tính trong 3 ngày làm việc sau kỳ nghỉ Tết (mồng 6, 7 và mồng 10 tháng giêng), phòng tiêm đã thực hiện tiêm kháng huyết thanh và vắc xin phòng dại cho 50 người, trong đó, có 14 người tiêm mũi đầu tiên do chó cắn trong dịp nghỉ Tết. Trong 14 người này phần nhiều là trẻ em dưới 15 tuổi, trong đó có 2 trẻ nhỏ sinh năm 2019.
Tại đây, khi tiếp nhận bệnh nhân, các y bác sỹ khám, điều tra kỹ về các trường hợp bị chó cắn, nhất là đối với trẻ em. Đặc biệt, nắm bắt rõ tình trạng hiện tại của các con chó cắn người, vị trí vết cắn để tư vấn cho bệnh nhân tiêm kháng huyết thanh và vắc xin phòng dại. Sau khi tiêm, bắt buộc bệnh nhân phải ở lại phòng tiêm ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, an toàn mới được ra về.
Lý giải về việc gia tăng số trường hợp tiêm vắc xin phòng dại dịp Tết Nguyên đán, “Do được nghỉ dài ngày người dân giao lưu đi lại nhiều và nhất là trẻ em được nghỉ học ở nhà chơi đùa cùng thú cưng nên không tránh khỏi việc bất cẩn bị vật nuôi cắn. Cùng với đó, ý thức người dân cũng đang dần được nâng cao, một số người đã chủ động tìm đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn”, cử nhân điều dưỡng Trần Thị Bình cho hay.
Tiếp tục tăng cường phòng, chống bệnh dại
Theo Giám đốc CDCQB Đỗ Quốc Tiệp, các trường hợp bị chó, mèo cắn xảy ra khi người dân đi chơi, thăm hỏi, chăm sóc và chơi đùa cùng vật nuôi trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán đáng lo ngại là nhiều vật nuôi cắn người nhưng chưa được tiêm vắc xin phòng dại; hơn nữa đợt nghỉ dài ngày, người dân khó tiếp cận nhanh với huyết thanh và vắc xin phòng dại, nên sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh dại chủ yếu lưu hành ở các nước nhiệt đới, khá phổ biến ở khu vực châu Á và châu Phi. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, có khoảng 60.000-70.000 người bị chết do bệnh dại.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo… chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên da bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, phụ thuộc vào tình trạng của vết cắn, khoảng cách từ vết cắn đến não, vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Dự phòng bệnh dại bằng kháng huyết thanh và vắc xin là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.
“Vì vậy, khi bị vật nuôi hay động vật hoang dại cắn, cào xước, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được sơ cứu, xử lý vết thương và tư vấn, hướng dẫn dự phòng. Dự phòng bệnh dại bằng huyết thanh và vắc xin là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm. Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho vi rút xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn. Đặc biệt, đối với những người bị cắn ở vùng nguy hiểm, như: Đầu, mặt, cổ... phải tiêm ngay, càng sớm càng tốt và huyết thanh kháng dại và vắc xin mới giúp ngăn chặn phát bệnh và tử vong”, Giám đốc CDCQB khuyến cáo.
Theo thống kê của chương trình phòng, chống bệnh dại quốc gia, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong do bệnh dại/nghi dại. Khu vực miền Trung có 11 ca, nhiều hơn 2 ca so với năm trước (năm 2022 ghi nhận 9 ca tử vong). Riêng tỉnh Quảng Bình số ca tử vong do dại là 3 ca (bao gồm 1 ca tại huyện Minh Hóa, 1 ca tại huyện Tuyên Hóa và 1 ca tại TP. Đồng Hới).
Đầu năm 2024, tính đến ngày 24/1, cả nước đã ghi nhận 4 ca tử vong do bệnh dại/nghi dại, trong đó khu vực miền Trung có 2 ca (1 ca tại Phú Yên và 1 ca tại Ninh Thuận). Đặc biệt, ngày 26 tháng chạp (tức ngày 5/2), tại Quảng Bình đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong là ông Ng.Th (SN 1956) ở xã Mỹ Trạch (Bố Trạch). Trước đó 2 tháng bệnh nhân bị một con chó thả rông cắn vào chân. Sau khi bị chó cắn bệnh nhân không đi tiêm phòng dại. Sau 2 tháng sống khỏe mạnh, không có biểu hiện gì bất thường thì đến ngày 29/1/2024, ông Ng.Th bắt đầu có dấu hiệu phát bệnh, gia đình đã cho bệnh nhân nhập viện. Tuy nhiên, sau hơn 5 ngày điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương và được chẩn đoán mắc bệnh dại. Bệnh viện tư vấn cho gia đình đưa về nhà và bệnh nhân tử vong.
Trước tình hình bệnh dại có chiều hướng gia tăng, CDCQB đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chủ động giám sát các trường hợp người tiếp xúc với động vật mắc bệnh dại và nghi dại trên địa bàn để kịp thời phát hiện, vận động các trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm với vi rút dại đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại, huyết thanh kháng dại để dự phòng sau phơi nhiễm; tăng cường công tác truyền thông trong cộng đồng về bệnh dại và dự phòng sau phơi nhiễm với vi rút dại.
Các cơ sở y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với thú y địa phương trong công tác điều tra, giám sát các trường hợp tử vong do bệnh dại và nghi dại trên người; tăng cường chia sẻ thông tin các ổ dịch dại trên động vật, kịp thời thông báo cho người dân, chính quyền địa phương biết để thực hiện các biện pháp dự phòng phơi nhiễm với vi rút dại. Đồng thời, lập kế hoạch, chủ động nguồn cung ứng vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại để kịp thời đáp ứng nhu cầu người dân trên địa bàn.
CDCQB khuyến cáo: Nếu người dân bị chó, mèo cắn, cào xước không được dự phòng bằng tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại kịp thời thì khả năng mắc bệnh dại là rất lớn, khi đó tỷ lệ sống sót gần như không còn. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.