Nhằm đánh giá công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) tại các huyện có nguy cơ cao, trong các ngày từ 15/10 đến ngày 18/10/2019 Đoàn kiểm tra phòng chống Sốt xuất huyết của Sở Y tế đã đi kiểm tra, chỉ đạo, giám sát hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại các huyện: Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Thị xã Ba Đồn và Thành phố Đồng Hới.
Tại thành phố Đồng Hới, theo báo cáo của Trung tâm Y tế Thành phố, tính từ đầu năm đến 18/10 toàn thành phố có 440 ca mắc SXH và nghi mắc SXH, trong đó có 365 ca test nhanh dương tính và 01 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các xã, phường: Nam Lý, Bắc Lý, Bảo Ninh, Đồng Sơn, Đức Ninh Đông…Trung tâm Y tế Thành Phố Đồng Hới đã triển khai xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương trong việc dọn vệ sinh môi trường, thau vét bọ gậy, diệt loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, Phường trên địa bàn.
Báo cáo tại thành phố Đồng Hới cho thấy công tác phòng chống SXH được chính quyền địa phương các xã, phường chủ động triển khai phòng chống SXH tới từng thôn, tổ dân phố. Thành phố đã có hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại các hộ dân vấn đề vệ sinh chưa được người dân thật sự quan tâm, các vật dụng phế thải xung quanh nhà như vỏ dừa, dụng cụ đựng nước uống cho vật nuôi, hầm nước thải, chậu cây cảnh còn rất nhiều loăng quăng, cho thấy ý thức tự giác của người dân trong việc diệt lăng quăng chưa cao và triệt để.
Bố Trạch là địa phương có số người mắc sốt xuất huyết (SXH) cao nhất toàn tỉnh. Tính đến ngày 18-10-2019, toàn huyện ghi nhận 1.425 trường hợp mắc SXH, tăng khoảng 10 lần so với năm 2018. Những địa phương xuất hiện ổ dịch sớm và có số người mắc cao là các xã, thị trấn: Sơn Trạch, Trung Trạch, Phúc Trạch, Đại Trạch, Vạn Trạch, thị trấn Hoàn Lão, thị trấn Nông trường Việt Trung... Hiện tại, toàn huyện đã có 28/30 xã có người mắc SXH (trừ 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch).
Trước tình hình diễn biến phức tạp của SXH, huyện Bố Trạch đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch. Toàn huyện đã thành lập, kiện toàn 30 ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở các xã, tổ chức hàng chục đợt tổng vệ sinh môi trường và phối hợp với các đơn vị y tế triển khai hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, điều tra môi trường, xử lý triệt để các ổ dịch.
Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện đa khoa Bố Trạch đã tăng cường công tác điều tra giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh nhằm điều trị kịp thời, hiệu quả. Các cơ sở y tế đều tuân thủ phác đồ điều trị bệnh nhân SXH theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người bệnh.
Dự báo thời gian tới, thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh trưởng nên toàn huyện tiếp tục huy động tổng lực trong phòng chống SXH, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các biện pháp dự phòng như vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy... Ngoài ra, toàn huyện tiếp tục chú trọng công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân SXH nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Bác sỹ Nguyễn Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế cùng đoàn giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết tại huyện Quảng Ninh
Tại huyện Quảng Ninh tính đến ngày 18/10, toàn huyện đã ghi nhận 1010 ca bệnh mắc/nghi mắc SXH Dengue, không có ca tử vong. Bệnh nhân tập trung nhiều tại các xã Hải Ninh, Xuân Ninh, Thị trấn Quán Hàu, Hiền Ninh, Tân Ninh, An Ninh và Gia Ninh, Võ Ninh. Hiện tại các ổ chưa kết thúc. Một số xã có ca bệnh tăng cao trong các tuần gần đây như: Xuân Ninh, Hiền Ninh và An Ninh. Trung tâm y tế đã tiến hành điều tra côn trùng truyền bệnh SXH tại ổ dịch và các xã trọng điểm thấy chỉ số BI>40, nhà có bọ gậy và mật độ muỗi ở mức cao, cần xử lý ngay, tập trung chủ yếu ở các dụng cụ chứa nước như: lọ hoa, bình ngưng rượu, lốp xe hỏng, chum, lu, bể nước mưa, phế thải quanh nhà, máng nước cho gia cầm…
Bác sỹ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cùng đoàn giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết tại huyện Bố Trạch
Tại huyện Quảng Trạch, tính đến 18/10 trên toàn huyện đã xảy ra 9 ổ dịch nhỏ trên địa bàn các xã: Quảng Thanh, Quảng Trường, Quảng Hưng, Quảng Tùng, Quảng Liên, Quảng Phương, Quảng Xuân, Cảnh Hóa, Phù Hóa. Số mắc ghi nhận tới thời điểm này là 775 trường hợp, 18/18 xã có ca mắc SXH, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
Tại Thị xã Ba Đồn, tính đến 18/10 ghi nhận toàn thị xã có 1.250 trường hợp nghi mắc SXH, trong đó có 805 ca xét nghiệm dương tính với vi rút SXH Dengue. Dịch bệnh SXH bắt đầu khởi phát vào ngày 4/1, xuất phát tại tổ dân phố Thọ Đơn phường Quảng Thọ. Tập trung chủ yếu ở một số xã, phường có nguy cơ cao như: phường Ba Đồn, phường Quảng Thọ, Quảng Phong, QUảng Long, QUảng Thuận, xã Quảng Minh và xã Quảng Hòa. Hiện tại 16/16 xã phường có trường hợp mắc SXH.
Bệnh nhân SXH gia tăng khiến cho tất cả các bệnh viện trong tỉnh hiện nay đang trong tình trạng quá tải, số lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng đột biến. Đơn cử tại bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 1551 ca, trong đó từ 01/7-14/10 đã tiếp nhận và điều trị 1271 ca sốt xuất huyết, các ngày cao điểm bệnh viện tiếp nhận vào điều trị từ 35-40 ca, số bệnh nhân SXH luôn trên 150 ca trong toàn viện. Hiện tại khoa truyền nhiễm chỉ có 29 giường nhưng lượng bệnh nhân vào điều trị trên 100 ca. Bệnh viện đã cơ động kê thêm giường với 50 giường xếp cơ động tại các hành lang của khoa truyền nhiễm, lấy một số phòng bệnh tại các khoa như HSCC, khoa nội tổng hợp, khoa nhi, khoa y học cổ truyền để bệnh nhân nằm điều trị.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết quá tải tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình
Khó khăn chung cho các bệnh viện hiện nay là bệnh nhân điều trị quá tải, số giường kế hoạch chỉ đáp ứng được một nữa lưu lượng bệnh nhân điều trị. Đội ngũ y bác sỹ, điều dưỡng tại các bệnh viện đều phải hoạt động hết công suất, các kíp trực phải ở lại ngày hôm sau để thu dung phục vụ bệnh nhân. Việc quá tải bệnh viện đã tạo áp lực lớn đối với đội ngũ y bác sỹ và phần nào ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, phục vụ.
Hiện nay sốt xuất huyết đã xảy ra 8/8 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh ta và hiện đang có diễn biến rất phức tạp, tính đến ngày 18/10/2019 toàn tỉnh đã ghi nhận 5.814 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 50 lần so với năm 2018. Trước diễn biến phức tạp của dịch, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác phòng chống dịch tại các huyện trọng điểm có SXH nhìn chung người dân đã có những kiến thức cơ bản về bệnh sốt xuất huyết và phương pháp phòng chống. Tuy nhiên, sự chuyển biến từ nhận thức đến hành vi vẫn còn hạn chế, còn nặng tâm lý chủ quan và ỷ lại vào cán bộ y tế. Tại một số hộ gia đình còn có các vật dụng chứa nước có loăng quăng và bọ gậy. Sở Y tế đề nghị thời gian tới UBND Thành phố Đồng Hới, các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và Thị xã Ba đồn cần tiếp tục triển khai đa dạng các hình thức truyền thông phòng chống sốt xuất huyết sao cho gần gũi và người dân dễ tiếp nhận; Trọng tâm phòng chống sốt xuất huyết là phải triệt để diệt trừ muỗi, loăng quăng, bọ gậy; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống dịch tại hộ gia đình và các thôn; Thành lập các tổ, nhóm xung kích diệt loăng quăng, bọ gậy và truyền thông trực tiếp cho người dân về phòng chống sốt xuất huyết bằng hình thức "cầm tay chỉ việc" để công tác phòng chống sốt xuất huyết được đẩy lùi và đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, cần có sự đồng lòng, chung sức của chính quyền các cấp, các ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, không chủ quan lơ là; Tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, đảm bảo phát hiện sớm trường hợp mắc để thu dung, điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng. Tổ chức xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch ngay sau khi phát hiện, theo đúng hướng dẫn tại Quyết định 3711/QĐ-BYT ngày 19/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, không để dịch bùng phát và lan rộng, kéo dài. Tiếp tục tập huấn Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue ban hành theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019 của Bộ Y tế cho các tuyến. Triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, cụ thể như: đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng, thả cá ăn loăng quăng vào các dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không dùng nhưng có khả năng chứa nước; thường xuyên thay nước bình hoa, bình đựng nước trong quạt hơi nước; thu dọn các vật phế thải dể gây đọng nước quanh nhà như chai, lọ, vỏ đồ hộp, lốp xe… Tăng cường công tác giám sát, điều tra côn trùng tại các xã phường trọng điểm, các ổ dịch cũ và mới phát sinh. Tổ chức 3 chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt loăng quăng/bọ gậy đến cuối năm 2019 và tổ chức phun hóa chất diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao và các địa điểm tập trung đông người như chợ, bến xe, trường học, ga tàu, bệnh viện…Tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết và phối hợp thực hiện.
L.H