Sidebar Menu

Trong những năm qua, việc cải thiện tầm vóc, thể chất cho thế hệ trẻ luôn là những mục tiêu, chiến lược và là ưu tiên hàng đầu của Nhà nước. Nhờ đó, sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em đã được cải thiện rõ rệt, theo Viện dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), những năm qua tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm liên tục và bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ SDD thể thấp còi vẫn còn cao (chỉ đạt 24,6%). Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3 cm, hiện đạt 164 cm (ở nam) và 153 cm (ở nữ), thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng 10 cm và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của phần lớn các nước trong khu vực châu Á.

Khoa_dinh_dưỡng_Trung_tâm_Kiểm_soát_bệnh_tật.jpgKhoa dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tập huấn cách chăm sóc trẻ trong 1000 ngày phát triển đầu đời
Tại tỉnh Quảng Bình, nhằm cải thiện tình trạng SDD cả thể nhẹ cân và thể thấp còi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tăng cường nhiều hoạt động, đồng bộ các biện pháp để nâng cao chất lượng công tác phòng chống SDD trên địa bàn, trong đó chú trọng triển khai bổ sung đa vi chất cho trẻ em dưới 2 tuổi SDD thấp còi; tổ chức nhiều lớp tập huấn cho tuyến dưới về việc triển khai Phần mềm “xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 07 tháng đến 60 tháng tuổi”; tăng cường đào tạo cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn đạt chuẩn Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng; tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt vào các ngày: Ngày vi chất dinh dưỡng (VCDD), tuần lễ dinh dưỡng và phát triển, tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ; Mô hình điểm về 1000 ngày đầu đời của trẻ

Bác sĩ CKI, Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: để tăng cường công tác phòng chống SDD cho trẻ, hiện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã lên kế hoạch giám sát cụ thể trong ngày “Vi chất dinh dưỡng”, cho trẻ uống vitamin A, phối hợp tổ chức cân đo và tẩy giun cho trẻ dưới 5 tuổi đợt 1 năm 2023 tại các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời chỉ đạo Khoa Dinh Dưỡng xây dựng kế hoạch để tiến hành điều tra tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ em trên địa bàn theo hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng; duy trì các hoạt động của dự án Plan theo thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và tổ chức Plan vùng Quảng Bình. Xây dựng kế hoạch để phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức truyền thông trong trường học, tư vấn phòng chống suy dinh dưỡng, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trong các bữa ăn của học sinh bán trú.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hài, CKI Điều dưỡng, Phó trưởng khoa Dinh Dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho hay: VCDD là các chất mà cơ thể chúng ta chỉ cần với một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Các VCDD tham gia vào việc xây dựng nên các tế bào, các mô, vào các hoạt động hô hấp, chuyển hóa, bài tiết của tế bào, xây dựng nên hệ thống miễn dịch của cơ thể, tham gia vào cơ chế hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, duy trì sự cân bằng của hệ thống nội môi, giúp phục hồi các tế bào, các mô tổn thương… VCDD rất cần thiết cho sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra nguyên nhân khiến trẻ thấp bé, nhẹ cân là do thường xuyên không được cung cấp đủ dinh dưỡng ở giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, đây được xem là giai đoạn “vàng” để trẻ phát triển thể chất lẫn tinh thần, vì vậy việc bổ sung không đầy đủ các dưỡng chất cần thiết trong 1000 ngày đầu đời sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc thiếu vi chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Để tăng cường cung cấp kiến thức cho người dân về vấn đề này, hiện tại Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã lên kế hoạch xây dựng mô hình điểm về chăm sóc dinh dưỡng toàn diện trong 1000 ngày đầu đời của trẻ phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi địa phương, đặc biệt chú trọng tại các xã miền núi nhằm hỗ trợ trẻ em vùng sâu, vùng xa phát triển một cách tốt nhất.

Ngày VCDD năm 2023 với chủ đề “Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể”. Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung các sản phẩm vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất…); Giải pháp trung hạn là sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; Giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn. Do đó, cần tăng cường công tác truyền thông, khuyến khích người dân sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và của Bộ Y tế.

Thông điệp truyền thông Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2023

Hưởng ứng Ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6/2023)

Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể.

Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, mọi người, mọi gia đình hãy thực hiện:

1. Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

2. Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

3. Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hàng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu Vitamin A, vitamin D.

4. Cho trẻ trong độ tuổi uống Vitamin A 2 lần/năm.

5. Trẻ từ 24 đến 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun, sán.

6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

 Hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống Vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã/phường.

Vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm là một trong những nhóm chất dinh dưỡng chính cần thiết cho cơ thể. Chúng bao gồm vitamin và khoáng chất, đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất năng lượng, hỗ trợ chức năng miễn dịch, đông máu, tăng trưởng, tăng cường sức khỏe của xương, cân bằng chất lỏng và một số quá trình khác.

                                                                

 Hoàng Loan