Sidebar Menu

Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) năm nay với chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa thuốc lá và tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo. Thế nhưng, dù đã có rất nhiều cảnh báo, thậm chí cả quy định, tình trạng hút thuốc lá ở nơi công cộng, chỗ bị cấm vẫn diễn ra phổ biến. Vì vậy, bài toán phòng, chống tác hại của thuốc lá chỉ được giải quyết khi có sự chung tay của cộng đồng và toàn xã hội.
 
IMG 20230529 081644 Các giảng viên đến từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trao đổi những kiến thức về phòng, chống THTL và xây dựng trường học hoàn toàn không khói thuốc.
 
Trong những vấn đề xã hội đáng lo ngại hiện nay, sử dụng thuốc lá là một vấn đề nổi cộm, việc sử dụng thuốc lá mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe cộng đồng cũng như gây ra gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình. Hiện ước tính có khoảng 15,4 triệu người Việt Nam đang sử dụng thuốc lá, đa phần là nam giới. Họ đã dùng 49.000 tỷ đồng mỗi năm để mua thuốc lá, và mất khoảng 67.000 tỷ đồng để điều trị 5 nhóm bệnh chính trên tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra như: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hoá – hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. 
Đặc biệt, qua phản ánh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy hiện nay việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng đặc biệt trong đối tượng học sinh. Nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm này. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bên cạnh các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, còn nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên, đồng thời gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội. 
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá của tỉnh năm 2022,  trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tỷ lệ người dân sử dụng thuốc lá còn khá cao, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành là 42,4%, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới là 2,0% (tỷ lệ là 22,1%); tuổi trung bình bắt đầu hút thuốc lá là 18 tuổi, nhóm dưới 20 tuổi chiếm 61,0%; thuốc lá điếu là loại được sử dụng nhiều nhất (75,7%) và đại đa số người dân biết tác hại của hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động nhưng vấn nạn hút thuốc lá vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. 
Hút thuốc lá hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Trung Kiên ở phường Nam Lý (Đồng Hới) đã nhiều lần bỏ thuốc, nhưng không thành công. Anh Kiên cho biết: “Đọc báo, xem ti vi cũng biết thông tin hút thuốc lá tốn kém và nhiều bệnh tật, chưa kể khi nói chuyện với bạn bè cũng cảm thấy tự ti vì mùi thuốc lá. Bản thân cũng mấy lần bỏ thuốc, nhưng khi nhìn thấy bạn bè phì phèo điếu thuốc lại thấy thèm và hút lại”.
Thực tế, mỗi người hút thuốc lá đều có hàng trăm, hàng ngàn lý do để biện minh cho hành vi, thói quen của bản thân. Chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những người “phì phèo” điếu thuốc ở nơi công cộng dù có dán biển cấm hút thuốc lá. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người hút mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh khi hít phải khói thuốc lá thụ động
 
IMG 20230529 081645 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức Tập huấn phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ y tế đầu mối
 
Để tiếp tục tăng cường truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới, thực hiện công văn số 474/KCB-QLHN ngày 24 tháng 4 năm 2023 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế về việc tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Quảng Bình (Cơ quan thường trực Sở Y tế) đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể; các cơ quan truyền thông của tỉnh và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và kịp thời có các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở và đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục đào tạo; tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha. Bên cạnh đó,  tại các Bệnh viện và đơn vị trực thuộc Sở Y tế cung cấp các thông tin về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới tới người bệnh, người nhà người bệnh và người dân trong cộng đồng…
 
IMG 20230529 081648 Diễu hành cổ động phòng, chống THTL trên các tuyến phố, trục đường chính, nơi đông người trên địa bàn TP. Đồng Hới.
 
Với mục tiêu tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng môi trường không khói thuốc lá.  Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình (CDC) là đơn vị đầu mối về hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, trong thời gian qua đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL). 
Trong năm 2022, CDC Quảng Bình đã tổ chức điều tra theo dõi tình hình sử dụng thuốc lá và đánh giá kết quả triển khai Luật PCTHTL tại một số cơ sở y tế, phòng giáo dục và đào tạo, trường học, các khách sạn, nhà nghỉ….Kết quả cho thấy, không có trường hợp vi phạm các quy định về PCTHTL. Đồng thời phối hợp cùng ngành y tế tỉnh tổ chức nhiều hoạt động mang lại kết quả tích cực như: hội thảo, tập huấn... phát 01 phóng sự “Vì môi trường Y tế không khói thuốc lá” trên Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; đăng tải tin, bài hàng tháng, quý trên Báo Quảng Bình và bản tin y tế ngành; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của 50 xã, phường, thị trấn với 11.000 lần phát…; tổ chức 01 hội thảo nồng cốt và hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ đầu mối về PCTHTL; sản xuất, cấp phát 1.000 tờ rơi; 2.000 áp-phích; gần 200 pa-nô… tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc lồng ghép nội dung về PCTHTL vào chương trình giáo dục được các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện tích cực, đem lại hiệu quả tuyên truyền sâu rộng không chỉ với các em học sinh, giáo viên nhà trường mà còn được tuyên truyền về với gia đình và người thân, làng xóm. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức lễ mít - tinh, diễu hành để tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc là (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá, các hoạt động này đã góp phần không nhỏ tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cộng đồng trong bảo vệ sức khỏe trước tác hại của thuốc lá. 
Bác sĩ Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu các biện pháp kiểm soát thuốc lá không được áp dụng kịp thời thì dự đoán số người tử vong vì thuốc lá sẽ tăng lên con số 70.000 người vào năm 2030, đó là lời cảnh báo được đưa ra tại Hội thảo “Đại biểu dân cử với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá” được Uỷ ban Xã hội của Quốc hội tổ chức năm 2022. Tại tỉnh Quảng Bình, Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên phải xác định rằng việc phòng chống tác hại của thuốc lá không phải là việc một sớm một chiều mà đòi hỏi phải diễn ra thường xuyên, lâu dài. Việc thực thi quy định xử phạt hành chính đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cần phải thực chất, đủ sức răn đe. Đặc biệt vấn đề cốt lõi trong phòng chống tác hại thuốc lá không có biện pháp nào hiệu quả hơn là nhận thức của mỗi người”
Có thể thấy, công tác phòng chống tác hại thuốc lá cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng vẫn còn rất nhiều những khó khăn và thách thức, để hướng đến mục tiêu xây dựng “môi trường không khói thuốc lá” trên địa bàn toàn tỉnh rất cần sự vào cuộc từ nhiều phía, nhất là ý thức tự giác từ người dân và của cả cộng đồng.  
 
Nguyễn Trang