An toàn thực phẩm luôn là vấn đề “nóng” được toàn xã hội quan tâm, thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, cùng sự phối hợp của các sở ban ngành, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã và đang nỗ lực để bảo đảm công tác An toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đang diễn ra rất nghiêm trọng và phức tạp. Đặc biệt trong năm 2019, ngay từ đầu năm dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh và lây lan nhanh khắp cả nước, dẫn đến nguy cơ sử dụng thực phẩm không an toàn cho người dân, đặc biệt là ở các trường mẫu giáo, trường tiểu học có bếp ăn bán trú, các cơ sở cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ăn uống, dịch vụ ăn uống bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp... Bên cạnh đó, Quảng Bình là địa điểm thu hút đông khách du lịch và tổ chức nhiều sự kiện lớn, vì vậy công tác đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn luôn được tỉnh chú trọng và quan tâm hàng đầu.
Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra ATVSTP dịp tết Nguyên đán năm 2020
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 5.400 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm (Bao gồm cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng), để Luật An toàn thực phẩm đi vào cuộc sống cũng như để nâng cao kiến thức hiểu biết của người dân về ATVSTP, thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ được giao, Chi cục ATVSTP tỉnh đã chủ động, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP tỉnh, Sở Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành các đơn vị trong ngành, các cấp chính quyền cơ sở; đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động thông tin truyền thông, cảnh báo mối nguy hại về ATTP cho người tiêu dùng bằng các hình thức như: tờ rơi, băng rôn khẩu hiệu, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về điều kiện bảo đảm ATTP; cách lựa chọn, nhận diện thực phẩm an toàn; những hành vi bị cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người sản xuất cũng như người tiêu dùng thực phẩm; Tổ chức Lễ phát động, tuyên truyền, cổ động hưởng ứng “tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019. Phối hợp với Hội nông dân tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện tổ chức 26 buổi giáo dục truyền thông, nói chuyện chuyên đề về đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tổ chức 20 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Hoạt động thanh kiểm tra là một một trong những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, vừa tuyên truyền vừa có sức răn đe đối với các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm về An toàn vệ sinh thực phẩm, trong năm 2019 đã thành lập hơn 444 đoàn, tiến hành thanh kiểm tra hơn 5000 lượt cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm, đặc biệt Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành, nhất là vào các đợt cao điểm như: Dịp tết Nguyên đán, tháng hành động An toàn vệ sinh thực phẩm, tết Trung thu, trong năm 2019 các đoàn thanh kiểm tra đã nhắc nhở và xử lý hơn 800 cơ sở vi phạm ATVSTP.
Với những hoạt động tích cực trong thời gian qua, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về ATTP, hạn chế được các vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên đảm bảo ATVSTP là việc làm thường xuyên, là một trong những nhiệm vụ chiến lược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người. Để đạt kết quả bền vững, cần sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của các cấp chính quyền, các ngành chức năng; tăng cường truyền thông để nâng cao ý thức của mỗi người dân khi sử dụng chế biến thực phẩm, đồng thời phát huy sức mạnh của truyền thông nhằm xóa bỏ các cơ sở chế biến tiêu thụ thực phẩm không an toàn, đảm bảo cho lợi ích, sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.
Mai An