Thời gian gần đây, các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 làm gia tăng chất thải y tế tại các cơ sở y tế, các bệnh viện và các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh. Vừa ngăn ngừa dịch bệnh lây lan vừa bảo vệ môi trường, ngành Y tế đã tập trung giám sát chặt chẽ việc thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải y tế bảo đảm theo quy định.
Rác được tập kết và phun khử khuẩn trước khi vận chuyển.
Đến thời điểm này tình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay lượng người trở về từ các vùng có nguy cơ cao rất đông tại các địa phương và đang được cách ly theo quy định. Vì vậy vấn đề xử lý rác thải của người dân thực hiện cách ly tại các cơ sở y tế cần được xử lý nhanh và triệt để, nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm nói chung và dịch bệnh COVID-19 nói riêng.
Hiện toàn tỉnh có 1.244 người đang thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung. Ngoài việc bảo đảm an ninh, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tổ chức cách ly tập trung, các lực lượng tại khu cách ly còn đặc biệt chú trọng đến việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế … chủ động ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh phát tán từ rác thải.
Kiểm tra khu xử lý rác thải y tế tại Bệnh viên đa khoa huyện Tuyên Hóa
Chị Lê Thị Nhung, Phụ trách khoa Y tế công cộng, Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy cho biết: Hàng ngày cán bộ y tế thu gom rác thải y tế vào một thùng riêng, rác thải sinh hoạt vào thùng riêng và thực hiện quy trình khử khuẩn. Sau khi khử khuẩn rác thải sinh hoạt được đơn vị môi trường đô thị đến vận chuyển đi xử lý, còn rác thải y tế được Bệnh viên đa khoa huyện Lệ Thủy vận chuyển và xử lý theo đúng quy trình của Bộ Y tế.
Trung tá Vương Minh Tuấn, Ban chỉ huy Quân sự Lệ Thủy, Quản lý khu cách ly tập trung cho biết thêm: Đối với quy trình khi bỏ rác vào khu vực rác chung, trước và sau khi thu gom đều được phun khử trùng, chúng tôi luôn nhắc nhở anh em an toàn trong công tác phòng chống dịch, an toàn cho cán bộ trong khu cách ly cũng như bà con khi được cách ly ở đây. Hệ thống thùng đựng rác thải đảm bảo chất lượng, khi báo số lượng rác như thế nào thì đơn vị thu gom rác vận chuyển kịp thời, không để xảy ra tình trạng bốc mùi, hôi thối gây ô nhiễm môi trường trong khu cách lý.
Các thùng đựng được bố trí theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Đặc biệt, tại các bệnh viên đa khoa tuyến huyện, thành phố, để đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại đây, công tác khử khuẩn vệ sinh môi trường, phân loại rác thải được thực hiện nghiêm ngặt, hàng ngày và đảm bảo đúng quy trình. Tại mỗi phòng bệnh nhân được trang bị thùng rác, người bệnh tự phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải y tế và tập kết ra thùng rác chung ngay tại khu điều trị để vận chuyển đi xử lý theo quy định.
Tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực, phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 đều được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải được đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài. Sau đó, được tập kết tại khu chứa rác thải nguy hại riêng và được xử lý tiêu hủy, đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế.
Bác sỹ Hoàng Ái Nhân, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường-Y tế trường học-Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) cho biết: Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện nghiêm túc việc xử lý rác thải tại cơ sở y tế, các bệnh viện và các khu cách ly tập trung trên địa bàn, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và ngăn ngừa nguy cơ phát tán mầm bệnh từ chất thải y tế. Đồng thời, chỉ đạo CDC Quảng Bình phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; đặc biệt là chất thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế, bệnh viện, khu cách ly tập trung trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả.
Phun khử khuẩn các thùng đựng khi được về khu cách ly tập trung.
Có thể nói, sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân toàn tỉnh, tình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh ta đã được kiểm soát, song để giữ được thành quả này, vấn đề xử lý chất thải y tế, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế rất cần sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị liên quan, tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác quản lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, khuyến cáo người dân, nhất là những người thực hiện cách ly y tế, tiếp tục tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế về chăm sóc sức khỏe; chú trọng thực hiện “5K”, sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng cách để ngăn chặn các nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng, bảo vệ môi trường góp phần phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 hướng đến mục tiêu lâu dài trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường thời kỳ hậu dịch bệnh.
Nhật Dương