Tăng cường sử dụng xét nghiệm Xpert trong chẩn đoán bệnh lao tại cộng đồng và cơ sở y tế; chủ động sàng lọc, phát hiện ca bệnh ở tất cả các cấp trong hệ thống y tế… là những giải pháp quan trọng được đưa ra tại cuộc họp triển khai Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao diễn ra vào ngày 16 tháng 12 vừa qua, tại Đà Nẵng do Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình chống lao Quốc gia (CTCLQG) đã chủ trì tổ chức.
Tham dự Hội nghị có Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Chương trình Chống lao, cán bộ phụ trách chỉ đạo tuyến, xét nghiệm của 63 tỉnh thành phố trong cả nước, trong đó có 16 tỉnh trọng điểm tham dự trực tiếp tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác, các dự án hỗ trợ cho CTCLQG như USAID, FHI, LHSS, CDC….
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. BSCC Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia nhấn mạnh: “Hội nghị hôm nay sẽ dành nhiều thời gian cùng bàn bạc các giải pháp đẩy mạnh, đảm bảo hiệu quả việc sử dụng test xét nghiệm Xpert trong phát hiện bệnh nhân lao, tăng cường sử dụng xét nghiệm Xpert trong chẩn đoán bệnh lao tại cộng đồng và cơ sở y tế.”
Chương trình Chống lao Quốc gia đã thực hiện một loạt những nhóm giải pháp chiến lược giải pháp về chính sách, pháp luật; giải pháp truyền thông; giải pháp chuyên môn kỹ thuật và cung cấp dịch vụ phòng chống lao; giải pháp hợp tác quốc tế; giải pháp về cung ứng thuốc và hậu cần kỹ thuật; giải pháp về bảo đảm nguồn tài chính cho công tác phòng chống lao; giải pháp về bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng chống lao; giải pháp về kiểm tra giám sát và đã đạt được những kết quả ban đầu.
TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của Lãnh đạo Y tế các tỉnh/thành phố trong việc hướng tới “mục tiêu quốc gia” - Chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 của Việt Nam.
Bà khẳng định: “Chúng ta cần tích cực và chủ động sàng lọc, phát hiện ca bệnh ở tất cả các cấp của hệ thống y tế bởi những người mắc bệnh lao thường nằm ở nhóm khó tiếp nhận hoặc nhóm yếu thế. Các Sở Y tế tỉnh/thành phố là mắt xích quan trọng kết nối các bệnh viện có chuyên khoa lao, bệnh viện đa khoa, bệnh viện tư nhân trong cuộc chiến chống lại bệnh lao.”
Đối với lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ công tác phòng, chống lao cho các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ công tác phòng, chống lao cho các địa phương.
Hội nghị còn diễn ra các thảo luận về: Sự vào cuộc của Sở Y tế trong việc triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ; Vai trò của Sở Y tế trong việc đẩy mạnh hoạt động sàng lọc lao bằng Xpert, PPM; Vấn đề đảm bảo cung ứng thuốc chống lao; Thanh quyết toán từ nguồn Quỹ Toàn cầu cho hoạt động sàng lọc…
Hội nghị đã có tổng kết, định hướng có chất lượng, nhằm hỗ trợ toàn bộ hệ thống phòng chống lao trên toàn quốc để có thể triển khai hiệu quả kế hoạch chiến lược Quốc gia Phòng chống lao, thực hiện thành công Công điện 25/CĐ-TTg.