Sáng ngày 22-3-2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống Lao năm 2024 với chủ đề: “YES! WE CAN END TB” (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO).. Tham dự có bác sỹ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo về chấm dứt bệnh lao tỉnh Quảng Bình giai đoan 2021-2025, tầm nhìn 2030; bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Bác sỹ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo về chấm dứt bệnh lao tỉnh Quảng Bình giai đoan 2021-2025, tầm nhìn 2030 phát biểu tại buổi lễ.
Ngày Thế giới Phòng chống Lao được tổ chức vào ngày 24 tháng 3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Chủ đề lạc quan năm nay tiếp tục mang đến nguồn năng lượng tràn đầy, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ, đồng thời cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người.
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phát động nhắn tin ủng hộ “Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB”.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trong năm 2023, Chương trình đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể trong cả nước, tăng 2.282 bệnh nhân, tương đương tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%. Ngay sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm 2022, 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, tăng cường chẩn đoán và thu nhận vào điều trị để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giúp phục hồi hoạt động phát hiện bệnh lao sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Các đại biểu nhắn tin ủng hộ “Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB”.
Tại Quảng Bình, ngành Y tế đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh lao, trong đó chú trọng tăng cường triển khai khám sàng lọc lao chủ động nhằm phát hiện sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn trong cộng đồng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình là đơn vị đầu mối triển khai các hoạt động phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc tăng cường công tác truyền thông, tổ chức tập huấn công tác phòng chống bệnh lao cho cán bộ y tế, Trung tâm đã tổ chức các đợt khám sàng lọc góp phần phát hiện và điều trị sớm các trường hợp mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng. Trong năm 2023, toàn tỉnh thu nhận và điều trị cho 940 bệnh nhân, trong đó AFB(+) (bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học) 284 bệnh nhân. Tỷ lệ điều trị thành công là 93,61%. Số người xét nghiệm phát hiện là 6.903 người và số mẫu xét nghiệm Gene Expert là 1.618 mẫu. Ngoài công tác khám phát hiện thường quy tại các cơ sở y tế, CDC Quảng Bình cũng đã triển khai Chiến lược 2X (là chiến lược tiếp cận sử dụng đồng thời hai kỹ thuật chụp X-quang lồng ngực và xét nghiệm Gene Xpert trong sàng lọc phát hiện ca bệnh Lao). Để chiến lược 2X được triển khai tại cộng đồng, đặc biệt các vùng sâu vùng xa, CDC Quảng Bình đã huy động hệ thống xe XQ kỹ thuật số di động đến các vùng miền núi để bà con được tiếp cận các dịch vụ y tế.
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc CDC Quảng Bình phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi Lễ Mít tinh, bác sỹ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chống lao, đặc biệt trong việc ngăn chặn và quản lý bệnh lao kháng đa thuốc. và biểu dương những kết quả mà Chương trình chống lao tại Quảng Bình đã đạt được trong thời gian qua. Để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của bệnh lao, thời gian tới rất cần các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động chống bệnh lao, tuyên truyền cho mọi người biết về sự nguy hại của bệnh lao để người dân có ý thức phòng chống. Ngoài sự cố gắng của các cán bộ mạng lưới Chương trình chống lao cần có sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của các cấp, các ngành, các lãnh đạo, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế ... trên tất cả các lĩnh vực phòng chống bệnh lao; hoàn thiện các thủ tục đấu thầu thuốc lao tập trung Quốc gia 2024-2025. Đưa hoạt động quản lý, điều trị bệnh nhân lao có thẻ BHYT về tới tuyến xã phường theo hướng dẫn thông tư 36/TT-BYT của Bộ Y tế; duy trì đảm bảo chất lượng hoạt động phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao thường quy tại các tuyến, lồng ghép trong các hoạt động chung của hệ thống y tế…
CDC Quảng Bình tăng cường triển khai khám sàng lọc bệnh lao, lao tiềm ẩn cho người dân bằng chiến lược 2X.
Hàng năm vào ngày Thế giới Phòng chống lao, Quỹ PASTB phối hợp với Cổng 1400 tổ chức chương trình kêu gọi vận động ủng hộ bằng hình thức nhắn tin (Nội dung: TB gửi 1402) trong thời gian 02 tháng. Hoạt động này đã thành hoạt động thường quy, thu hút được nhiều người dân tham gia ủng hộ. Trong năm 2023, số lượng tin nhắn đạt được 47.155 tin nhắn, tương đương 943.100.000 đồng. Tại buổi lễ Mít tinh, bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phát động nhắn tin ủng hộ “Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB”.
Một số hình ảnh tại buổi lễ Mít tinh:
Mai An – Nguyễn Hoàng