Chiều ngày 24/12 tại Sở Khoa học và Công nghệ, nhóm nghiên cứu đề tài thuộc Sở Y tế đã báo cáo nghiệm thu kết quả khoa học công nghệ đề tài “Đánh giá hiệu quả một số biện pháp can thiệp nhằm nâng cao kiến thức, thái độ thực hành về phòng chống nhiễm vi rút viêm gan B tại cộng đồng miền núi và ven biển tỉnh Quảng Bình”. Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Sở Y tế chủ nhiệm đề tài; Thành viên gồm có Bác sĩ CKII Đỗ Quốc Tiệp - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và một số đồng nghiệp công tác trong ngành. Chủ trì có Thạc sĩ Nguyễn Chí Thắng - TUV - PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ cùng các thành viên trong Hội đồng Khoa học tỉnh.
Bác sỹ Nguyễn Đức Cường, giám đốc Sở Y tế phát biểu tại buổi báo cáo nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài cấp tỉnh
Việt Nam cũng như các nước khu vực Đông Nam Á là quốc gia nằm trong vùng có tỷ lệ nhiễm HBV cao trên thế giới. Tỷ lệ mang HBV trong cộng đồng dân cư là 15 - 25 % dân số Việt Nam tùy theo từng đối tượng. Hàng năm có khoảng 20.000 người mắc viêm gan và tỷ lệ tử vong từ 0,7 - 0,8%.
Với mục đích xác định tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và một số yếu tố liên quan ở người lớn 20 - 60 tuổi tại cộng đồng miền núi, ven biển tỉnh Quảng Bình. Từ đó đánh giá kiến thức, thái độ thực hành về dự phòng lây nhiễm vi rút viêm gan B, triển khai các hoạt động can thiệp và đánh giá hiệu quả can thiệp nhằm nâng cao kiến thức, thái độ thực hành về phòng chống lây nhiễm vi rút viêm gan B ở người lớn 20 - 60 tuổi tại cộng đồng miền núi, ven biển tỉnh Quảng Bình… Nhóm nghiên cứu đề tài thực hiện đề tài “Đánh giá hiệu quả một số biện pháp can thiệp nhằm nâng cao kiến thức, thái độ thực hành về phòng chống nhiễm vi rút viêm gan B tại cộng đồng miền núi và ven biển tỉnh Quảng Bình” với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về bản đồ dịch tễ tình hình nhiễm HBV tại Quảng Bình và góp phần làm cơ sở khoa học cho các nhà quản lý hoạch định các chính sách phù hợp, hiệu quả hơn trong việc triển khai các hoạt động phòng chống bệnh lây nhiễm trong đó có bệnh vi rút viêm gan B ở cộng đồng.
Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đã đánh giá cao nội dung và sự thể hiện có chiều sâu của đề tài cấp tỉnh. Bên cạnh đó, các đồng chí trong hội đồng cũng đưa ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu… Với những đóng góp của Hội đồng Khoa học, thời gian tới nhóm nghiên cứu đề tài sẽ soát lại cách tổng hợp và xử lý số liệu để sớm hoàn thành đề tài và đưa vào ứng dụng thực tiễn trong xây dựng Kế hoạch phòng chống bệnh lây nhiễm của tỉnh. Đồng thời cũng là cơ sở dữ liệu để xây dựng kế hoạch truyền thông phòng bệnh nhiễm vi rút viêm gan B nói riêng và bệnh viêm gan nói chung trong giai đoạn tiếp theo của tỉnh.
Lê Dung