Với phương châm “Nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó” để đảm bảo công tác khám chữa bệnh không bị gián đoạn khi tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp. Ngay sau khi mưa tạm dứt, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa và cán bộ Trạm Y tế các xã không bị ngập lụt đã nhanh chóng hỗ trợ các trạm y tế bị ngập sâu từ 1,5 đến 2,2 m như Trạm Y tế xã Thạch Hóa, Văn Hóa, Ngư Hóa, Châu Hóa tập trung dọn dẹp vệ sinh, cào bùn ra khỏi trạm, sắp xếp hồ sơ tài liệu, thuốc, tài sản, trang thiết bị y tế để thực hiện ngay công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế lập kế hoạch và cấp phát ngay các loại thuốc, hóa chất khử khuẩn nguồn nước cho các trạm y tế, cán bộ các khoa phòng và trạm y tế đến địa bàn các thôn, xóm hướng dẫn xử lý nguồn nước hợp vệ sinh và xử lý môi trường, an toàn thực phẩm sau mưa lũ. Tuyên truyền cho nhân dân chủ động phòng chống các loại dịch bệnh sau lũ lụt, thực hiện điều tra giám sát phát hiện các loại dịch bệnh nhằm chủ động phòng chống các dịch bệnh thường xẩy ra sau lũ như sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa và cán bộ y tế các trạm không bị ngập lụt đang hỗ trợ tổng vệ sinh tại Trạm Y tế xã Thạch Hóa.
Trong những ngày lũ lụt xẩy ra, Trung tâm vừa theo dõi bám sát tình hình, chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt tại các xã và duy thì thực hiện công tác chuyên môn, đảm bảo công tác trực 24/24 tại các trạm y tế, sẵn sàng các cơ số thuốc, trang thiết bị tại trạm cơ bản đáp ứng phục vụ bệnh nhân cấp cứu. Tại các trạm y tế xã, thị trấn không ngập lụt bệnh nhân vẫn đến khám để được cấp phát thuốc điều trị, thuốc bảo hiểm y tế như: Trạm Y tế xã Thanh Hóa, Lâm Hóa, Hương Hóa, Kim Hóa, thị trấn Đồng Lê, Sơn Hóa, Đức Hóa với tổng số 50 lượt khám, xử trí vết thương, ho, sốt, tiêu chảy.... Trong mưa lũ, mặc dù Trạm Y tế xã Phong Hóa bị ngập sâu nhưng sản phụ (Lê Thị Hoa 33 tuổi) vẫn đến sinh và được chăm sóc sau sinh rất tốt; Trạm Y tế xã Đồng Hóa cấp cứu bệnh nhân 90 tuổi điều trị và cho thở oxy. Trường hợp tai nạn do ứng phó với nước lũ chia cắt không thể đi viện được cán bộ trạm y tế đã đi bằng thuyền đến xử trí vết thương hoặc hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà; Trường hợp tai nạn khác tại xã Văn Hóa được UBND xã hỗ trợ và cán bộ trạm y tế dùng ca nô đến nhà chuyển đến bệnh viện đa khoa để điều trị.
Mặc dù tình hình mưa lũ và cơn bão theo dự báo sẽ tiến vào biển đông đang còn diễn biến phức tạp nhưng tin tưởng rằng với sự chủ động và bằng lương tâm nghề nghiệp của những người thầy thuốc nơi đây, người dân sẽ được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tốt nhất trong điều kiện có thể.
Lê Dung