Sidebar Menu

(QBĐT) - Đó là khẳng định của bác sĩ Đinh Viễn Anh, Phó Giám đốc Sở Y tế khi nói về định hướng của ngành trong triển khai nhiệm vụ liên quan đến bệnh án điện tử (BAĐT) tại các bệnh viện trên địa bàn.

Tiến tới “bệnh viện không giấy tờ”

Đưa con trai đến khám tại Bệnh viện Hữu Nghị Quảng Bình, chị Hoàng Thị Ngân ở xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) khá ngạc nhiên khi biết có thể dùng điện thoại quét từ mã QR ở phiếu trả kết quả tra cứu được kết quả online. “Tôi thấy tiện lợi hơn rất nhiều, hình ảnh chụp, chiếu rõ nét, các thông tin rõ ràng. Mình có thể chuyển kết quả này cho người nhà tra cứu hoặc nếu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ ở tuyến cao hơn”.

“Tính ưu việt thể hiện rất rõ. Ví dụ với phần mềm quản lý xét nghiệm, khi khám BHYT, mỗi bệnh nhân có một mã số riêng, để máy có thể mã hóa được và chạy kết quả qua hệ thống xét nghiệm. Bằng việc mã hóa, công việc ở phòng xét nghiệm được thực hiện nhanh hơn với độ chính xác cao”, ông Trần Hữu Bảy, Trưởng phòng Xét nghiệm chia sẻ.

images816397_DSC06866.jpg
Chị Hoàng Thị Ngân ở xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) trải nghiệm tra cứu kết quả online.

Đó chỉ là một phần nhỏ trong thực hiện BAĐT mà Bệnh viện Hữu Nghị Quảng Bình đã triển khai. Phó Giám đốc bệnh viện Phan Thị Chung cho biết: Đơn vị bắt đầu đưa bộ giải pháp y tế của VNPT vào sử dụng chính thức từ 1/6/2024, bao gồm các phần mềm quản lý khám, chữa bệnh (KCB), xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… Các hệ thống được liên thông tự động trong gửi và trả kết quả đã giúp rút ngắn được rất nhiều thời gian, bảo đảm tính chính xác trong quy trình thực hiện, tạo nên một hệ sinh thái y tế tiến tới triển khai bệnh viện thông minh.

“Ở bệnh viện chúng tôi, với những ca bệnh nặng, thường kết quả được gửi ra các chuyên gia bệnh viện lớn đọc kết quả. Trước đây, phải làm theo hình thức thủ công là chụp phim rồi gửi đi, nhưng nay, các chuyên gia có thể đọc và trả kết quả ngay trên phần mềm. Nhờ vậy, đã giảm bớt nhân lực ở các bộ phận này”, bà Phan Thị Chung chia sẻ.

Còn tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Quảng Ninh, đơn vị đã tiến hành chạy thử hệ thống hồ sơ BAĐT từ 1/6/2025. Bác sĩ Nguyễn Văn Thân, Giám đốc bệnh viện cho hay: Đến nay, về cơ bản đã triển khai trên 60% khối lượng công việc. Hệ thống quản lý thông tin bệnh viện cùng các hệ thống xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, xử lý hình ảnh được liên thông, lưu trữ trên môi trường điện toán đám mây. Người bệnh khi có kết quả cận lâm sàng có thể sử dụng máy điện thoại quét mã QR tra cứu hình ảnh, kết quả một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Hệ thống BAĐT đang được triển khai để đồng bộ với hệ thống quản lý thông tin bệnh viện. Toàn bộ nhân viên đã đăng ký chữ ký số, là điều kiện để triển khai hệ thống BAĐT. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng bệnh viện quyết tâm đến 15/8, sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng BAĐT.

images816430_Anh_3__1_.jpg
Thông tin được tích hợp, liên thông góp phần nâng cao hiệu quả quản lý công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện.

Bác sĩ Lê Thị Lan Hạnh, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, BVĐK huyện Quảng Ninh chia sẻ: Mới đầu triển khai có chút khó khăn nhưng hiện tại, chúng tôi đã làm quen. Qua thực hiện, tôi thấy tiết kiệm được giấy tờ, thời gian… so với trước; việc tra cứu hồ sơ bệnh nhân cũng thuận tiện hơn rất nhiều.

Quyết tâm hoàn thành trước 30/9/2025

Bác sĩ Đinh Viễn Anh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc triển khai hồ sơ BAĐT không chỉ là một nhiệm vụ chuyển đổi số, mà là một cuộc cải cách toàn diện, đặt nền tảng cho một hệ thống y tế hiện đại, minh bạch và lấy người bệnh làm trung tâm. Ở tầm vĩ mô, đây chính là trụ cột của quá trình chuyển đổi số ngành y tế, hệ thống này cung cấp nguồn dữ liệu lớn phục vụ việc hoạch định chính sách y tế dự phòng, minh bạch hóa chi trả bảo hiểm và tạo nền tảng để phát triển các dịch vụ y tế thông minh khác.

Sở Y tế đã yêu cầu tất cả bệnh viện (kể cả công lập và tư nhân) trên địa bàn tỉnh khẩn trương đánh giá, rà soát hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai hồ sơ BAĐT; chủ động mời các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp CNTT để hỗ trợ triển khai; bảo đảm hoàn thành triển khai BAĐT tại tất cả các bệnh viện trước ngày 30/9/2025 theo quy định tại Thông báo số 56/TB-VPCP và Quyết định số 1150/QĐ-BYT.

images816398_DSC06833.jpg
Bằng việc mã hóa, công việc ở phòng xét nghiệm được thực hiện nhanh hơn với độ chính xác cao.

Hiện có Bệnh viện Hữu Nghị Quảng Bình đã áp dụng 100% hoạt động điện tử, hoàn thành thẩm định nội bộ, đang trong quá trình mời hội đồng thẩm định và công bố áp dụng. Một số bệnh viện đã tiến hành khảo sát, kết nối và chạy thử nghiệm các hệ thống LIS, RIS/PACS, đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, triển khai các module của BAĐT, hoàn thiện hồ sơ để tiến hành thẩm định nội bộ và chuẩn bị cho việc thẩm định, công bố BAĐT chính thức. Sở Y tế cũng đã tập hợp kinh phí và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các bệnh viện để triển khai thực hiện BAĐT.

“Đến một số bệnh viện, thấy qua các khâu đều có sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các thủ tục, như: Đăng ký khám, thanh toán tiền, thậm chí là nhận kết quả khám bệnh. Hiện đại như thế cần phải có người tư vấn, hướng dẫn để bệnh nhân không lúng túng, nhất là những người ở nông thôn, miền núi, không có điều kiện tiếp cận nhiều”, bà Nguyễn Thị Thu, ở xã Xuân Ninh (Quảng Ninh) bày tỏ.

Qua nắm bắt thực tế triển khai tại một số bệnh viện cho thấy còn có những khó khăn, vướng mắc. Thông tư số 13/2025/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn triển khai hồ sơ BAĐT vừa ban hành vào ngày 6/6/2025, trong khi Chính phủ yêu cầu việc hoàn thành BAĐT trước 30/9/2025, các đơn vị chỉ còn chưa đầy 4 tháng để nghiên cứu và triển khai theo quy định mới, thời gian rất gấp. Hạ tầng CNTT ở nhiều bệnh viện đã cũ, xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành và bảo mật thông tin, cần được trang cấp và đầu tư thêm. Việc chuyển đổi nhà cung cấp phần mềm hay liên kết dữ liệu giữa các đơn vị cung cấp phần mềm gặp nhiều rào cản, tạo dữ liệu bị phân mảnh, khó có thể khai thác dữ liệu chung, liên tục. Nhân lực CNTT tại các bệnh viện còn mỏng, do vậy, còn khó khăn trong quá trình tham mưu triển khai thực hiện.

"Việc triển khai thành công BAĐT không phải là việc lựa chọn, mà là nhiệm vụ và là quyết tâm chính trị cao nhất của ngành Y tế trong giai đoạn này. Bởi vậy, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh và sự quyết tâm của lãnh đạo sở, các bệnh viện trực thuộc, ngành Y tế Quảng Bình phấn đấu sẽ hoàn thành việc triển khai BAĐT trước 30/9/2025 tại tất cả các bệnh viện, vì mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân", Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Viễn Anh khẳng định.

Theo Hương Lê (BQB)