(QBĐT) - Những ngày Quảng Bình cùng cả nước căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19 là những tháng ngày không thể nào quên trong hành trình 30 năm gắn bó với nghề báo của tôi. Là phóng viên của Báo Quảng Bình theo sát ngành Y tế, tôi đã có mặt ở hầu khắp các “điểm nóng” để ghi lại cuộc chiến cam go của tuyến đầu, từ khi dịch bệnh mới chớm đến lúc tỉnh kiểm soát được tình hình và dần bước vào trạng thái “bình thường mới”.
Đêm đầu tiên đón F0
Trong suốt hành trình chống đại dịch Covid-19, tôi có cơ duyên được nhiều “đêm trắng” đồng hành cùng các y, bác sĩ đi vào tâm dịch, chứng kiến nỗi nhọc nhằn, kiệt sức nhưng đầy quyết tâm của những “chiến binh áo trắng”. Và đêm đầu tiên đón F0 trong cộng đồng tại xã Đức Trạch (Bố Trạch) là một “đêm trắng” không bao giờ quên.
Đêm đầu tiên đón F0 trong cộng đồng tại xã Đức Trạch (Bố Trạch).
Tối 26/8/2021, lúc 20 giờ, tôi nhận được cuộc gọi gấp gáp từ bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Bình): “Phóng viên phụ trách ngành Y tế có đi đón F0?”. Một thoáng chần chừ-không phải vì sợ hãi-mà vì tôi hiểu rõ sự khốc liệt của tuyến đầu. Nhưng rồi, tôi nhanh chóng khoác ba lô, lên xe chống dịch hướng về xã biển Đức Trạch.
Chuyến đi ấy trở thành một dấu mốc. Tôi tận mắt thấy 13 F0 đầu tiên trong đêm được tập kết về trạm y tế xã, trong đó có cả người già, trẻ nhỏ và một cụ bà miệt biển gần 70 tuổi thản nhiên nhờ tôi hỏi mua một lọ Berberin để phòng đau bụng trong khu cách ly. Sự bình tĩnh đến lạ của bà như tiếp thêm cho tôi sức mạnh, trong khoảnh khắc mà dịch Covid-19 không còn là câu chuyện trên báo, mà đã hiện hữu ngay cạnh mình.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và những đêm trắng tìm SARS-CoV-2.
Sau khi đón các F0 của xã Đức Trạch về khu cách ly Trường trung cấp Luật Đồng Hới, xe của CDC Quảng Bình lại tiếp tục hành trình xuyên đêm, đón thêm 19 F0 từ Đồng Hới, trong đó có ba đứa trẻ bé xíu. Tôi nhớ mãi ánh mắt cô bé 5 tuổi loanh quanh trước cửa khách sạn Công đoàn cũ, chờ tin bà nội có cùng dương tính hay không để hai bà cháu được đi cách ly cùng nhau. Đêm ấy, điện thoại bác sĩ Tiệp không ngừng đổ chuông. Cứ mỗi cuộc gọi đến là thêm những điểm dịch mới, những F0 mới và cả những F1, F2 cần truy vết thần tốc.
Những "chiến binh tý hon" kiên cường và dũng cảm trong đại dịch.
Tôi theo chân các xe chuyên dụng lăn bánh trong đêm tối. Các bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên không ai còn khái niệm về thời gian. Gần 4 giờ sáng, chúng tôi mới trở về. Trên con đường vắng lặng, ánh trăng rơi xuống mặt phố im lìm. Nhưng trong tôi và có lẽ trong tất cả những người tham gia đón F0 đêm ấy là sự thức tỉnh mãnh liệt về trách nhiệm, về sự sống và cả… nỗi cô đơn của người đưa tin trong đại dịch.
Những đêm trắng tìm SARS-CoV-2
Đợt dịch thứ tư với biến thể Delta là một cơn “sóng thần” càn quét các đô thị, làng mạc… Với CDC Quảng Bình, đó là những “đêm trắng” thật sự. Từ ngày 24/8/2021, khi phát hiện F0 đầu tiên trong cộng đồng ở xã Hải Phú (Bố Trạch), các “chiến sĩ áo trắng” gần như không còn khái niệm nghỉ ngơi.
Hình ảnh nhóm thiện nguyện thôn Hải Đông ở tâm dịch Quảng Phú (Quảng Trạch).
Có đêm, số mẫu xét nghiệm gửi về lên tới 60.000-70.000 mẫu. Cán bộ kỹ thuật viên thay nhau trực chiến. Họ ăn ngủ ngay tại nơi làm việc, gục đầu chợp mắt vài phút rồi lại tiếp tục bên máy xét nghiệm RT-PCR, nhập liệu, tách mẫu… để cho ra kết quả sớm nhất. Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp chia sẻ: “Cả tháng trời trắng đêm như vậy, ai cũng lo âu, mệt mỏi nhưng không ai bỏ vị trí. Vì sau chúng tôi là hàng vạn người dân chờ đợi kết quả, chờ đợi hy vọng”. Đó cũng là cảm giác của tôi, khi mỗi dòng tin gửi về tòa soạn không chỉ là con số, mà là mạng người, là vận mệnh của cả cộng đồng.
Tác nghiệp thời Covid-19, những kỷ niệm không thể nào quên.
Dịch bệnh chưa bao giờ ngơi nghỉ và hành trình theo chân tuyến đầu của tôi cũng vậy. Từ thành phố đến vùng quê, từ những đêm trắng tại CDC Quảng Bình đến các điểm nóng mới phát sinh, mỗi nơi đi qua lại hun đúc thêm trong tôi niềm tin về nghĩa vụ của người làm báo trong đại dịch. Ngày 3/1/2022, khi mọi người đang tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) lại trở thành tâm điểm mới của dịch bệnh. Tôi về đây đúng ngày CDC Quảng Bình vào cuộc hỗ trợ chống dịch. Tại thôn Xuân Hải, con đường làng nhỏ rợp bóng cây thường ngày vốn yên bình, giờ vắng lặng đến rợn người. Có 89 ca F0 trong thôn, phần lớn điều trị tại nhà. Các nhân viên y tế tất tả đi từng ngõ, gõ từng nhà để làm xét nghiệm, hướng dẫn cách ly...
Nhưng hình ảnh tôi nhớ nhất là nhóm thiện nguyện của mấy chị em ở thôn Hải Đông. Mặc đồ bảo hộ, họ đẩy chiếc xe ba gác chất đầy rau, mì gói, gạo muối… phân phát tận từng nhà trong khu phong tỏa. Một chị nói với tôi: “Ai cần gì cứ gọi, tụi em sẽ đi chợ hộ cho mọi nhà. Chống dịch không của riêng ai chị ơi”. Tôi đưa máy chụp lại khoảnh khắc ấy, không chỉ để đưa tin, mà để lưu giữ hình ảnh đẹp nhất của con người giữa những ngày gian khó nhất.
Khúc tráng ca chưa có hồi kết
Đã gần 4 năm trôi qua kể từ những ngày đầu tiên đại dịch ập đến, những con số F0 từng ngày từng giờ được ghi chép trong sổ tay phóng viên giờ đã thành ký ức. Nhưng mỗi trang viết ấy là một câu chuyện, một dấu ấn của những con người dấn thân nơi tuyến đầu.
Tôi-một nhà báo-chưa làm được điều gì lớn lao. Nhưng tôi đã có mặt, đã ghi lại những khoảnh khắc không thể quên của quê hương Quảng Bình trong cuộc chiến sinh tử với Covid-19. Và trong trái tim mình, tôi luôn mang theo hình ảnh của những y bác sĩ thức trắng đêm, những người dân bình dị không ngại hiểm nguy và cả những đứa trẻ ngơ ngác trên đường vào khu cách ly như minh chứng cho một giai đoạn “lịch sử” mà chúng ta đã cùng nhau vượt qua.
Không ai miễn nhiễm với dịch bệnh. Sau nhiều tháng theo chân ngành Y từ tâm dịch này đến điểm nóng khác, đến gần cuối cuộc chiến, tôi cũng trở thành một F0. Tự cách ly, điều trị tại nhà, lặng lẽ như bao người. Những ngày ấy cho tôi cơ hội nhìn lại và thấm thía hơn sự hy sinh âm thầm của những người làm nghề y, cũng như ranh giới mong manh giữa trách nhiệm nghề báo và an toàn cá nhân trong đại dịch. |
Tôi mong rằng, bài báo này không chỉ là kỷ niệm về nghề, mà còn là một nén tâm nhang tưởng nhớ những người đã ra đi trong đại dịch; là nụ cười tri ân gửi đến những người còn ở lại, kiên cường và lặng lẽ, cùng lòng biết ơn những “chiến binh áo trắng” luôn sẵn sàng lên tuyến đầu bảo vệ đồng bào mình trước đại dịch.
Theo Nội Hà (BQB)