Bệnh COVID-19 nguy hiểm thế nào?
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thậm chí đã có những dấu hiệu bệnh lây lan ra cộng đồng, tức là không tìm được nguồn lây nhiễm. Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, bệnh COVID-19 mới xuất hiện và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Từ thực tế các ca bệnh cho thấy COVID-19 là bệnh có mức độ lây lan mạnh, diễn biến nhanh và nguy hiểm, đặc biệt với một số nhóm đối tượng như những người có bệnh nền, người mắc bệnh mạn tính hoặc nhóm đối tượng người cao tuổi…. Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có một số trường hợp bệnh diễn biến rất nặng, đã có bệnh nhân phải thở máy, chạy tim phổi ngoài cơ thể (ECMO). Virus gây bệnh COVID-19 tấn công phổi, gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, suy đa phủ tạng … rất nguy kịch.
Để phòng mắc COVID-19, người dân cần tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh của ngành y tế và thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội. Dưới đây là những điều người dân nên và không nên làm để bảo vệ sức khỏe trong cơn đại dịch.
Nên làm gì để giữ sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh
Rửa tay ít nhất 20 giây với xà phòng và nước. Chìa khóa để bảo vệ sức khỏe giữa dịch COVID-19 là phải luôn luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là đôi bàn tay, bởi đây là nơi thường tiếp xúc với các bề mặt nhiễm virus, vi khuẩn nhất. Trong trường hợp không có xà phòng và nước, có thể dùng nước rửa tay khô chứa cồn 60 độ để vệ sinh. Nên rửa tay sau khi chạm vào vật nuôi, trẻ con sau khi chơi đồ chơi, đi vệ sinh, hắt hơi, nấu nướng, ăn uống, xử lý dọn dẹp rác thải hay tháo kính mắt, trước và sau khi rời khỏi những nơi đông người...
Tự bảo vệ bản thân khỏi các bệnh viêm đường hô hấp bằng cách thường xuyên vệ sinh mũi họng, vệ sinh cơ thể. Ngay khi xuất hiện các triệu chứng giống cảm lạnh thông thường như ho khan, đau họng…. thực hiện ngay các biện pháp phòng bệnh như súc họng có chứa povidone-iodine (PVP – I) bởi nước súc họng này có khả năng tiêu diệt hầu hết các vi rút như influenza virus, herpes virus, rhino virus, adeno virus… tác nhân chính gây bệnh viêm họng. Để phòng bệnh viêm mũi họng cho trẻ nhỏ, cha mẹ có thể xịt cho trẻ bằng xịt mũi chứa Carragelose có tác dụng kháng virus phổ rộng, tiêu diệt hầu hết các loại virus cảm cúm, cảm lạnh, và các virus gây viêm đường hô hấp cấp khác.
Giãn cách xã hội, nếu là người trên 60 tuổi hoặc người có bệnh mãn tính nên tuyệt đối tránh chỗ đông người. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng tránh mắc bệnh. Chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua thực phẩm, cần sự trợ giúp y tế. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng; ngoài phạm vị công sở, trường học, bệnh viện phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
Khai báo y tế , cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế. Đây là những biện pháp bắt buộc đối với những người nhập cảnh vào Việt Nam, người đến và đi từ vùng dịch, khuyến khích mọi người dân khai báo sức khỏe toàn dân.
Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ . Khi ho, hắt hơi, nên sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay để che, sau đó vứt khăn giấy vào thùng có nắp đậy và rửa tay bằng xà phòng với nước.
Duy trì sức khỏe bằng chế độ ăn vệ sinh, khoa học, hợp lý. Giữ ấm cơ thể, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao đều đặn.
Những điều không nên làm để tránh mắc COVID-19
Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay bằng nước và xà phòng . Bởi đây là con đường virus SARS-CoV-2 dễ xâm nhập nhất.
Không đi du lịch , nhất là khi có dấu hiệu bị sốt, đau họng, tuyệt đối cách ly tại nhà, không di chuyển. Nếu có những biểu hiện này khi đang trên các phương tiện giao thông như xe buýt, máy bay, cần báo ngay cho người có trách nhiệm biết.
Không hoảng sợ, lo lắng. Các chuyên gia y tế cho rằng, mặc dù cần giãn cách xã hội, thực hiện các biện pháp khuyến cáo của ngành y tế về phòng ngừa dịch bệnh nhưng cần bình tĩnh, hoảng loạn không cần thiết.
Không tự ý đến các cơ sở y tế nếu có dấu hiệu của bệnh hô hấp. Khi có vấn đề sức khỏe cần đi khám bệnh, hãy liên hệ trước với các cơ sở y tế để thông tin về triệu chứng, lịch trình di chuyển của mình để được hỗ trợ, người cao tuổi sẽ được khám bệnh tại nhà.
Không nên sử dụng điều hòa , tăng cường thông khí trong nhà bằng cách mở cửa sổ, thường xuyên lau dọn nhà cửa, vệ sinh các bề mặt trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường.
Bộ Y tế