(QBĐT) - Thời gian qua, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới nổi. Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng, sởi… gia tăng đáng kể. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, nhiều tỉnh, thành trong cả nước tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người tăng cao. Vì vậy, ngành Y tế Quảng Bình đã và đang chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (PCDB) từ sớm, từ xa và ngay tại cơ sở.
Trẻ em cần được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch để phòng cácbệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm diễn biến phức tạp
Trong 3 tháng đầu năm 2024, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tại khu vực miền Trung, trường hợp tử vong do bệnh dại tăng đột biến, bệnh cúm gia cầm A/H5N1 ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Khánh Hòa. Các tỉnh lân cận như Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng ghi nhận một số trường hợp sốt rét ngoại lai từ nước ngoài về; xuất hiện các chùm ca nghi mắc sởi, rubella, ho gà, SXH, thủy đậu, tay chân miệng… Đặc biệt, ngày 6/4, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc cúm A/H9 đầu tiên từ trước đến nay.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm đa số giảm so với cùng kỳ. Các bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt; bệnh mới nổi, tái nổi như cúm A, đậu mùa khỉ… chưa ghi nhận; các bệnh truyền nhiễm gây dịch được quản lý, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, trên địa bàn Bố Trạch đã ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại và đây là năm thứ 4 liên tiếp (2021-2024) Quảng Bình ghi nhận ca tử vong do dại.
Phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa
Theo Giám đốc CDC tỉnh Đỗ Quốc Tiệp, hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển và bùng phát. Bên cạnh đó, việc gián đoạn trong cung ứng các loại vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng thời gian qua ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng của trẻ; nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa đủ mũi vắc-xin là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin.
Tuy hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng để phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các loại dịch bệnh, ngành Y tế đã và đang triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh về tăng cường PCDB.
Phun hóa chất diệt muỗi chủ động là giải pháp hữu hiệu phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Thanh Hải cho biết: Để phòng ngừa dịch bệnh từ sớm, từ xa, sở đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh. Đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh ho gà, các bệnh dự phòng bằng vắc-xin để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.
Ngành Y tế chủ động phối hợp, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, nhà trẻ trên địa bàn triển khai các hoạt động PCDB, như: Bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học, có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời, chủ động ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin.
Theo đó, CDC tỉnh tăng cường chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố củng cố, nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống dịch các tuyến, đặc biệt là y tế cơ sở tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, duy trì giám sát dịch tễ các bệnh truyền nhiễm để kịp thời dự báo nguy cơ gây dịch và triển khai các biện pháp phòng chống, khống chế không để dịch lan rộng. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn nâng cao chuyên môn kỹ thuật về giám sát, phòng chống và điều trị bệnh truyền nhiễm cho cán bộ y tế tại các đơn vị y tế dự phòng và cơ sở điều trị các tuyến. Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho các hoạt động PCDB trên địa bàn.
Tập trung phòng, chống sốt xuất huyết
Giám đốc CDC tỉnh cho biết: Dịch SXH xảy ra quanh năm, thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, từ tháng 4-11. Hiện, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như vắc-xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây thành dịch lớn, lây nhiễm cho nhiều người cùng lúc, gây khó khăn cho việc chăm sóc và điều trị, làm giảm sức lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe và gây tử vong cao, nhất là đối với trẻ em.
Trong năm 2023, Quảng Bình ghi nhận 1.820 trường hợp mắc SXH (giảm hơn 5 lần so với năm 2022); 1 trường hợp tử vong ở huyện Quảng Trạch. Có 7/8 địa phương ghi nhận ổ dịch SXH trong năm 2023; Minh Hóa là địa phương duy nhất không xuất hiện ổ dịch. Tuy nhiên, so sánh trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Quảng Bình có số ca mắc SXH đứng thứ 8/14 tỉnh. So với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ, Quảng Bình là tỉnh có số ca mắc SXH cao nhất.
Cán bộ y tế huyện Quảng Trạch hướng dẫn người dân tìm diệt môi trường phát triển của muỗi.
“Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 106 ca mắc SXH, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, theo chu kỳ bùng phát dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh ta thường vào khoảng tháng 4-5 hàng năm và với diễn biến thời tiết bất thường là điều kiện, yếu tố thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của bọ gậy, muỗi vằn truyền bệnh SXH”, Giám đốc CDC tỉnh Đỗ Quốc Tiệp nhấn mạnh.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai ngay các hoạt động phòng, chống SXH; giám sát các ổ dịch SXH hiện có và phát sinh, tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình tại các ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xác định các điểm nóng để tập trung giải quyết triệt để, bảo đảm không để dịch bùng phát; chỉ đạo các cơ sở điều trị tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH; đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển viện kịp thời, nguy cơ tử vong cao. |
Để chủ động phòng và khống chế dịch SXH, không để dịch lớn xảy ra trong những tháng đầu năm 2024, vừa qua, CDC tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương giám sát bệnh nhân và các chỉ số véc tơ SXH tại các xã, phường trọng điểm; chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy trên diện rộng và phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống SXH đối với xã, phường trọng điểm, ổ dịch cũ và các xã có nguy cơ với chỉ số véc tơ vượt ngưỡng cảnh báo; khuyến nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch phun hóa chất, vệ sinh môi trường tổng thể thực hiện trong tháng 4 và tháng 5.
Là địa phương ghi nhận 1 ca tử vong do SXH trong năm 2023, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch Uông Đình Thái trao đổi: Ngay từ đầu năm, đơn vị đã chỉ đạo, lập kế hoạch cụ thể để chủ động phòng, chống SXH trên địa bàn. Đặc biệt, khi ghi nhận một số mắc tại các xã: Cảnh Dương, Quảng Châu, Quảng Xuân, Quảng Thạch… trung tâm đã trực tiếp chỉ đạo các trạm y tế tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường, giám sát chặt chẽ ca mắc, phun hóa chất diệt muỗi ở một số địa điểm có nguy cơ cao; thường xuyên giám sát chỉ số côn trùng tại các ổ dịch cũ, tại các xã có ca bệnh SXH với quyết tâm “không có bọ gậy, không có SXH”. Tính đến ngày 7/4, Quảng Trạch ghi nhận 15 ca SXH, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Nội Hà (BQB)