Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và dự báo sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2035. Để chủ động thích ứng với vấn đề già hóa dân số, ngành Y tế đã từng bước đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (NCT) tại các cơ sở y tế cũng như tại cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số nói chung và sức khỏe NCT nói riêng.
Với những bước tiến vượt bậc của phát triển kinh tế - xã hội và công tác y tế, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng lên, tuy nhiên vấn đề già hóa dân số là thách thức đối với hệ thống y tế, bởi sự gia tăng các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thoái hóa khớp...
Theo số liệu báo cáo của Chi cục Dân số – KHHGĐ, hiện nay Quảng Bình có hơn 155 ngàn người ở độ tuổi trên 60 tuổi, chiếm gần 16% dân số. Để công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT đạt hiệu quả, ngành Y tế đã duy trì tốt mô hình chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cộng đồng, thường xuyên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NCT tại 8 huyện, thị xã, thành phố. Từ đầu năm đến nay đã khám, cấp phát thuốc miễn phí cho gần 27 ngàn NCT, trong đó chủ yếu là các cụ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn.
Ngành Y tế luôn quan tâm chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi
Đồng thời, duy trì hoạt động tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT tại 45 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Với mô hình này, NCT thường xuyên được khám, tư vấn, nâng cao kiến thức kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó, cán bộ y tế sẽ thường xuyên tới tận hộ gia đình để tư vấn các kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe tại gia đình, chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý. Đối với trường hợp NCT có bệnh lý sẽ được lập hồ sơ quản lý và theo dõi sức khỏe tại trạm y tế. Các trường hợp mắc bệnh nặng cần khám chuyên sâu đều được các bác sĩ tư vấn chuyển tuyến trên để khám và điều trị kịp thời.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, cán bộ Trạm Y tế xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch cho biết: Trạm luôn chú trọng quan tâm nhiều hơn đối với những trường hợp NCT có hoàn cảnh khó khăn, đi lại thăm khám vất vả, chúng tôi đã tranh thủ đến tận nhà những trường hợp này để hướng dẫn uống thuốc giúp NCT an tâm hơn...
Hai ông bà Võ Thị Thuyết và Võ Văn Soa năm nay đã ngoài 70, do tuổi cao nên thường xuyên mắc các bệnh về xương khớp, con cái đi làm ăn xa, hai ông bà chỉ dựa vào nhau mỗi khi ốm đau. Sau một thời gian được cán bộ y tế thường xuyên lui tới chăm sóc, tư vấn cách tự chăm sóc sức khỏe tại nhà, sức khỏe của ông bà cũng được phục hồi hơn trước.
Bà Võ Thị Thuyết, trú tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch chia sẻ: “Ông bà tuổi cao nên thường xuyên bị bệnh người già như tim mạch, cao huyết áp. Con cái ở xa nên những lúc ốm đau chúng tôi thường điện thoại nhờ giúp đỡ và được cán bộ y tế đến tận nhà tư vấn chế độ ăn uống, thuốc men để đảm bảo sức khoẻ”.
Để công tác chăm sóc sức khỏe NCT được thực hiện tốt hơn, Sở Y tế đã thành lập thí điểm mô hình kết hợp giữa khoa Nội tim mạch và Lão khoa tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Quảng Bình, trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại với nhiệm vụ trọng tâm là thu dung, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho những người bệnh từ 65 tuổi trở lên.
Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thái Bảo, Phó trưởng Khoa Nội tim mạch lão khoa Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Quảng Bình cho biết: “Mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 100, ngày cao điểm 200 bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh lão khoa như tim mạch, cơ xương khớp... Với đội ngũ được đào tạo chuyên khoa đã đáp ứng được nhu cầu KCB cho NCT”.
Trong năm 2023, Chi cục Dân số – KHHGĐ là đơn vị đầu mối về các chương trình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng đã tổ chức 26 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe NCT thu hút 1.290 NCT tham dự. Phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 30 ngàn NCT tại các địa phương.
Song song với đó, ngành Y tế Quảng Bình cũng đã tăng cường các hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe, bồi dưỡng kiến thức phòng tránh một số bệnh người già thường gặp, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, khuyến khích duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Hoạt động này đã giúp NCT nâng cao kiến thức để tự chăm sóc bản thân và sống vui, sống khỏe.
Ông Phan Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ cho biết: “Là đơn vị đầu mối thực hiện các chương trình về chăm sóc sức khỏe cho NCT, Trong thời gian tới Chi cục DS - KHHGĐ tiếp tục tổ chức tập huấn cho viên chức dân số tuyến huyện, tuyến xã, CTV dân số về CSSK NCT thích ứng với vấn đề già hoá dân số; Tiếp tục tổ chức các chiến dịch truyền thông, tư vấn sức khoẻ cho NCT tại cộng đồng kết hợp với khám sức khoẻ cho NCT”.
Trên thực tế, cuộc sống của một bộ phận NCT, nhất là người già ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn, trong khi đó, nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT ở nhiều nơi còn hạn chế. Chăm sóc sức khỏe cho NCT không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Hoàng Loan