Sidebar Menu

Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh (27/12) là sáng kiến của Việt Nam trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng với 5 quốc gia khác. Vào ngày này hàng năm, tất cả quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc sẽ cùng nhau kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn ở cấp độ toàn cầu. Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh năm nay với chủ đề: “Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh”.

Theo đó, Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12 tập trung vào nâng cao nhận thức của từng cá nhân, từng cộng đồng và các quốc gia về việc thường xuyên phòng bệnh dịch. Cụ thể là cần tăng cường năng lực để đối phó kịp thời, đầy đủ và dập tắt nhanh chóng với bất kỳ dịch bệnh nào xảy ra. Vì vậy, Nghị quyết kêu gọi các quốc gia cần đầu tư cho năng lực sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, phát hiện và giảm thiểu tác động của các tình huống nguy cấp ở tất cả các cấp độ, đồng thời tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần đẩy mạnh phối hợp chính sách, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác quốc tế trên tinh thần ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, để có thể đảm bảo những đứa trẻ của chúng ta và các thế hệ tiếp theo sẽ được tiếp quản một thế giới an toàn, phục hồi tốt và bền vững.

z5010976988182_fd822f24f3cb099cf2553663a3106dd0.jpg

z5010976935057_17398afb9a3506a17a219b6e4aaa9720.jpg
Ngành Y tế Quảng Bình luôn quan tâm, tích cực chủ động phòng chống các dịch bệnh

Sáng kiến của Việt Nam về Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh được đưa ra đúng vào thời điểm đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh mẽ và gây ra những hậu quả nặng nề cho nhân loại, nên đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của cộng đồng quốc tế. Bởi có nhiều quan điểm cho rằng sự chuẩn bị sẵn sàng là một khoản đầu tư đúng đắn với chi phí thấp hơn nhiều so với các khoản chi khẩn cấp. Vì vậy, cần có chiến lược và lộ trình dài hạn để xây dựng một hệ thống ứng phó với những đại dịch tương tự trong tương lai. Ngày 27/12 được chọn làm Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vaccine đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới.

z5011040912778_78b72e0c36275adb0612c33d59150fb2_1.jpg
Truyền thông phòng chống các dịch bệnh cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa.

Tại tỉnh Quảng Bình, thời gian qua ngành Y tế đã chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong; tính từ ngày 15/12/2022 đến 15/12/2023 toàn tỉnh ghi nhận 1.061 ca mắc COVID-19 (cùng kỳ 2022 là 128.627ca) và không ghi nhận ca tử vong do COVID-19, tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh đã số giảm so với cùng kỳ năm 2022. Các nhóm bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các bệnh mới nổi, tái nổi như cúm AH5N1, H7N9, MerS-CoV; các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A như tả, nhiễm não mô cầu, dịch hạch… chưa ghi nhận trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị duy trì triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Nhờ triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đến nay dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt và hiệu quả. Hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh; liên tục cập nhật kho dữ liệu của Bộ Y tế về sản phẩm tài liệu truyền thông để tuyên truyền các thông điệp, tài liệu truyền thông phòng chống các dịch bệnh và đặc biệt là các dịch bệnh có thể xảy ra trong mùa đông xuân trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo pa nô, banner, khẩu hiệu về phòng chống dịch bệnh tại cơ quan đơn vị và các điểm công cộng; lồng ghép nội dung, chủ đề, thông điệp hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh năm 2023 trong kế hoạch hoạt động của đơn vị…Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động tham mưu Sở Y tế kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 để trình UBND tỉnh ban hành.

z5010976943315_30c269c9a334b1f0c5ebb20e389abb89.jpg
Tiêm chủng vẫn là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất giúp người dân phòng ngừa các dịch bệnh.

Thời gian sắp tới là thời điểm người dân được nghỉ Tết dương lịch, Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch, tập trung đông người tại các khu vực công cộng sẽ tăng cao, cùng với thời tiết giao mùa thay đổi cực đoan là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, lây lan. Các bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc xin như sởi, ho gà, bạch hầu…cũng có nguy cơ tăng cao do miễn dịch giảm, tiêm chậm hoặc không tiêm vắc xin; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi vẫn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan trong nước nói chung, trong địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân là yếu tố quyết định mang lại sự thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, hành động tích cực, tự giác sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào mỗi gia đình, mỗi địa bàn, từ đó góp phần phòng bệnh cho cả cộng đồng. Không ai có thể đảm bảo mình sẽ an toàn khi cộng đồng còn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. 

Do đó, để phòng chống dịch bệnh tốt trên địa bàn tỉnh ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể cần sự chung tay của toàn thể nhân dân. Người dân cần tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo phòng bệnh của ngành y tế.

z5010976925797_39e90e97d69b8f81969d4064e22e5f68.jpg
Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh qua đường hô hấp

Đối với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như cúm, viêm phổi do phế cầu,… người dân nên chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh. Đặc biệt các bệnh có vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván,… cần đảm bảo trẻ em trong gia đình được tiêm đủ các mũi vắc xin này. Đối với các bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh như sốt xuất huyết người dân cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi, thực hiện các biện pháp dự phòng để phòng, chống dịch bệnh.

Với tình hình các dịch, bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan và gây dịch trong thời điểm giao mùa và trong kỳ nghỉ lễ, Tết, mùa lễ hội đầu năm sắp tới toàn dân cần chung tay cùng ngành y tế để phòng, chống dịch bệnh.

Mai An