Nhiều thập kỷ qua, công cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Phụ nữ có rất nhiều cơ hội để khẳng định bản thân, được nói và hành động theo mong muốn chính đáng của mình, được tham gia vào nhiều vị trí quan trọng trong cả gia đình và xã hội, có những đóng góp to lớn trong mọi mặt của cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng "trọng nam, khinh nữ", tình trạng bất bình đẳng giới, nhận thức về vai trò của phụ nữ và trẻ em gái vẫn chưa thực sự có sự chuyển mình mạnh mẽ. Chúng ta cần kiên trì, cần quyết liệt để vấn đề này thực sự thay đổi để bình đẳng giới hiện hữu trong từng mái nhà, từng con phố, từng vùng miền và lan rộng ra toàn cộng đồng, xã hội.
Ngày Dân số Thế giới 11/7/ 2023 lại là một dịp nữa để Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tiếp tục thực hiện những công việc, những nỗ lực không ngừng đảm bảo quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái để tạo ra một thế giới với tiềm năng vô hạn. Với chủ đề “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta” một lần nữa khẳng định bình đẳng giới-vấn đề thực sự cần quan tâm và cần được giải quyết để thế giới ngày càng trở nên tốt đẹp và nhân văn hơn.
Cán bộ Chi cục Dân số – KHHGĐ đang hướng dẫn CSSKSS VTN/TN tại Trường THCS xã Thạch Hoá, huyện Tuyên Hoá.
Theo số liệu từ các báo cáo liên quan của UNFPA, hiện nay phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn bị bỏ qua khi bàn về các vấn đề nhân khẩu học và quyền của họ vẫn bị vi phạm trong các chính sách về dân số. Hơn 40% phụ nữ trên thế giới không thể tự quyết định về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục và các quyền về sức khỏe sinh sản của mình. Cứ 4 phụ nữ thì chỉ có một người ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình thực hiện đượcmong muốn sinh sản của mình. Cứ 2 phút lại có một phụ nữ tử vong khi mang thai hay trong lúc sinh nở (ở những khu vực có xung đột thì con số tử vong này cao gấp đôi). Gần một phần ba phụ nữ bị bạo lực bởi bạn tình, bị bạo lực tình dục bởi người không quen biết hoặc cả hai trường hợp. Chỉ có 6 quốc gia có 50% hay hơn 50% thành viên quốc hội là phụ nữ. Hơn hai phần ba trong số 800 triệu người dân không biết đọc trên toàn cầu là phụ nữ… Đây thực sự là những con số biết nói và điều này đã vô tình góp phần tạo ra một thế giới đang loại trừ, bỏ qua và hạn chế tiềm năng của mỗi cá nhântrên hành tinh của chúng ta. Nó sẽ làm cho tất cả chúng ta, chứ không chỉ riêng phụ nữ và trẻ em gái, không được hưởng một tương lai thịnh vượng, hòa bình và bền vững hơn.
Nguồn gốc của vấn đề này chính là bất bình đẳng giới. Khắp nơi trên thế giới sự bất công phổ biến này đã làm cho phụ nữ và trẻ em gái không được đi học, không có việc làm và không giữ vị trí lãnh đạo; hạn chế những nỗ lực cá nhân, khả năng ra quyết định về sức khỏe, đời sống tình dục và sinh sản của họ; làm tăng nguy cơ dễ bị tổn thương do bạo lực, những thực hành có hại và tử vong mẹ do những nguyên nhân hoàn toàn có thể ngăn chặn được.
Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là bất bình đẳng giới đã ngăn cản thế giới đặt ra các câu hỏi hay quan tâm đến những gì mà phụ nữ và trẻ em gái mong muốn. Như đã khẳng định trong Báo cáo Tình trạng Dân số năm 2023, khi phụ nữ và trẻ em gái được xã hội trao quyền tự chủ về cuộc sống và cơ thể của mình, họ và gia đình của họ sẽ thành đạt. Và kết quả là chúng ta sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp, được trang bị tốt hơn để có thể giải quyết bất cứ những thay đổi và thách thức nhân khẩu học nào trong tương lai.
Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới
Quan điểm của Đảng và Nhà nước taluôn quan tâm, ủng hộ bình đẳng giới. Hiện nay, bình đẳng giới đang là mục tiêu lớn của đất nước chúng ta. Ngày 29/7/1980, Việt Nam ký kết tham gia Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và được Quốc hội phê chuẩn ngày 27/11/1981. Nguyên tắc bình đẳng nam nữ đã được thể hiện nhất quán, liên tục trong các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam, kể cả trước và sau khi tham gia công ước CEDAW.
Trên cơ sở Hiến pháp, nhiều bộ Luật, Luật trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, y tế, hôn nhân gia đình và pháp luật hình sự được ban hành, đều cho thấy rõ sự nhất quan trong quan điểm và thực hiện về bình đẳng giới. Ngoài những quy định chung áp dụng một cách bình đẳng đối với nam - nữ còn có những chính sách điều chỉnh pháp luật riêng phù hợp với những đặc thù về giới tính của phụ nữ, trẻ em gái.
Trong đó, sự ra đời của Luật Bình đẳng giới là sự khẳng định rõ ràng nhất, tập trung nhất nỗ lực và bước tiến không ngừng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng nam nữ, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, đưa ra những biện pháp thiết thực có tính đến những đặc thù về giới tính của phụ nữ; đồng thời là minh chứng sinh động nhất quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm bình đẳng giới.
Bên cạnh việc ban hành, thực thi các quy định của pháp luật, Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã ban hành các Nghị định, Thông tư, Chiến lược quốc gia… và thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ thông qua việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án liên quan tới bình đẳng giới. Chính phủ đã ưu tiên tăng cường sự tham gia của phụ nữ tại nơi làm việc... Nhờ những nỗ lực cụ thể, chỉ số bình đẳng giới tại Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2020, Việt Nam xếp vị trí 87 trên tổng số 153 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới.
Khắc phục tư tưởng "trọng nam khinh nữ”, hướng tới xã hội bình đẳng
Thực tế cho thấy, mặc dù người phụ nữ có những đóng góp to lớn trong chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình và cộng đồng nhưng nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới hiện vẫn còn hạn chế. Tại nhiều đại phương trong cả nước, tình trạng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn nặng nề; phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chịu nhiều thiệt thòi hơn trẻ em trai, cũng như so với trẻ em gái ở khu vực thành thị về cơ hội học tập, tiếp cận thông tin. Đây thực sự là rào cản lớn đối với việc nâng cao vị thế của trẻ em gái trong hiện tại và tương lai.
Giáo dục là một quyền cơ bản của con người, mọi trẻ em, cả bé gái và bé trai đều có quyền đi học và phát triển. Việc trẻ em gái ở vùng núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không được đi học không chỉ làm giảm tiềm năng cá nhân, tạo rào cản lớn đối với việc nâng cao vị thế của các em trong hiện tại và tương lai, còn làm tăng các chu kỳ nghèo đói và bất lợi của mọi thế hệ và cả quốc gia. Trẻ em không được đi học, không tiếp cận được nền giáo dục không chỉ là một thiệt thòi lớn đối với bản thân các em mà thực sự làm ảnh hưởng không hề nhỏ đến sự phát triển của một gia đình, một vùng miền hay lớn hơn là của cả một quốc gia, xã hội…
Theo các chuyên gia tâm lý nhận định "Trọng nam khinh nữ" ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới đời sống tinh thần, thể xác của phụ nữ, trẻ em gái. Chẳng hạn, khi một người phụ nữ đã sinh bé gái trước mà chưa có bé trai thì lần mang thai sau họ sẽ bị áp lực. Người con gái của người mẹ đó, khi nghe như vậy, vô tình tự trẻ hình thành "định nghĩa giới" rằng mình là phụ nữ, mình là con gái và mình không có giá trị bằng con trai. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và tương lai của trẻ, khiến đứa trẻ, nhất là bé gái khó phát triển toàn diện cũng như dễ có những quan điểm, suy nghĩ sai lệch trong cuộc sống, nhất là về vấn đề giới. Để hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới; chú trọng đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường để giúp cho thanh, thiếu niên nhận thức được những vần đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản, có hệ thống; giúp các em ý thức được trách nhiệm trong xây dựng gia đình, trong tạo lập và duy trì các mối quan hệ xã hội sau này…
Bên cạnh đó, cần tăng cường các chính sách và củng cố hệ thống nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao địa vị phụ nữ trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng "trọng nam khinh nữ"; xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi kinh tế có sự ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái.Để thực hiện được bình đẳng giới cần tiến hành thu hẹp khoảng cách về giới trong mọi khía cạnh của đời sống; xem việc thực hiện bình đẳng giới là một công việc lâu dài và cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội.
Nhân Ngày Dân số Thế giới 11/7/2023, chúng ta nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới để tạo điều kiện thực hiện những giấc mơ của 8 tỷ người. Quá trình này cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái và những người yếu thế; xây dựng luật pháp và chính sách để có thể giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra các quyết định đúng đắn.Chỉ khi đó chúng ta mới có thể huy động được sức mạnh của một nửa dân số trên hành tinh để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay. Một thế giới đa dạng, thịnh vượng với 8 tỉ người đầy những tiềm năng vô hạn phụ thuộc vào điều này.
BS. Phan Nam Bình. Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ