Sidebar Menu

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân cũng ngày một nâng cao, cũng từ đó mà những đòi hỏi đối với đội ngũ y bác sỹ càng trở nên khắt khe hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với người Điều dưỡng, những người hằng ngày tiếp xúc với bệnh nhân. Bằng nhiệt huyết và tình yêu với nghề, thời gian qua Điều dưỡng Trần Thị Nguyệt – Điều dưỡng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Thành phố Đồng Hới đã luôn cố gắng cống hiến hết sức mình góp phần cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn.

            Người ta vẫn thường ví nghề điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi hằng ngày họ cần tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân và cũng là người gần gũi với bệnh nhân nhất. Mà người bệnh thì mỗi người mỗi tính, chưa kể tới sự ảnh hưởng của tâm lí khi mang trong mình những bệnh tật không ai mong muốn. Bởi vậy, để gần gũi và thấu hiểu được tâm lí của người bệnh, biết được người bệnh muốn gì là việc làm không hề dễ dàng. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, điều dưỡng sẽ không thể gắn bó với nghề lâu dài. Là một cán bộ điều dưỡng có kinh ngiệm 17 năm làm việc, chị Trần thị Nguyệt bước vào nghề năm 2002, từ một điều dưỡng viên còn non nớt học việc tại Phòng khám Đa khoa khu vực Đồng Sơn, năm 2007 chị chuyển về làm việc tại Bệnh viện đa khoa Thành phố Đồng Hới, cho đến nay chị đã là điều dưỡng trưởng khoa truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Thành phố Đồng Hới, một người điều dưỡng trưởng luôn được đồng nghiệp và người bệnh yêu mến, tin tưởng. Qua 17 năm đó, chị Nguyệt đã đã tiếp xúc với không biết bao nhiêu trường hợp bệnh nhân, chăm sóc không biết bao nhiêu người, chị luôn tâm niệm, người bệnh khi đến bệnh viện mang theo nỗi đau về thể xác và nỗi lo về tinh thần. Là người điều dưỡng, phải ý thức được công việc của mình, phối hợp giữa điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và giáo dục sức khỏe cho người bệnh. Muốn làm được như vậy, cần phải không ngừng học tập và rèn luyện cả về y đức và trình độ chuyên môn. Năm 2012 chị theo học lớp liên thông đại học Điều dưỡng tại trường Đại học Y dược Huế. Chị cho biết : “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần đào tạo lâu dài, đòi hỏi trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao, do vậy phải thường xuyên học tập nâng cao kiến thức, cập nhật những điểm mới”.

IMG 0814 Custom

Điều dưỡng Trần Thị Nguyệt đang kiểm tra tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân

Đối với Chị Nguyệt, người điều dưỡng không chỉ là người chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người bệnh bằng những biện pháp chuyên môn mà còn phải là người thân, người bạn tâm tình của bệnh nhân. Bởi ngoài những công việc chuyên môn thường ngày như: theo dõi dấu hiệu sinh tồn, thực hiện y lệnh thuốc cho bệnh nhân, nhận định tình trạng bệnh, ghi chú hồ sơ bệnh án… chị luôn biết cách dành thời gian để thăm hỏi, động viên người bệnh của mình. Đặc biệt tại khoa bệnh truyền nhiễm, bệnh nhân đông, nhất là những đợt cao điểm của các loại dịch bệnh, có những đêm các y bác sỹ trong khoa đều phải thức trắng để chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân tại khoa đều mang tâm lý nôn nóng, mong mỏi sớm khỏi bệnh, một phần lo lắng trở thành nguồn bệnh lây nhiễm cho người nhà và cộng đồng bởi vậy họ đều rất nhạy cảm. Nhiệm vụ của người điều dưỡng như chị Nguyệt lúc này không chỉ cứng nhắc thực hiện y lệnh của bác sĩ là tiêm, truyền, cho thuốc… mà cần phải quan tâm đến tâm lý bệnh nhân tạo cảm giác gần gũi, tin tưởng từ đó họ sẽ phối hợp điều trị với các y bác sỹ trong khoa.

Đến điều trị bệnh Sốt xuất huyết tại khoa truyền nhiễm, bệnh viện Đa khoa thành phố Đồng Hới, ông Nguyễn Lương Quốc – Nam Lý – Đồng Hới  - Quảng Bình chia sẻ: “Trong quá trình điều trị, tôi được các y bác sĩ chăm sóc rất tận tình, chu đáo, đặc biệt là điều dưỡng Nguyệt, thường xuyên đến thăm hỏi tôi cũng như các bệnh nhân khác, nhẹ nhàng động viên, tư vấn cho chúng tôi về cách phòng bệnh và chế độ dinh dưỡng để có sức khỏe tốt.” Không chỉ nhận được sự yêu mến của người bệnh, chị Nguyệt còn là một điều dưỡng trưởng khoa được các đồng nghiệp tôn trọng, nhắc đến chị Nguyệt, chị Ngô Thị Lan – Điều dưỡng khoa truyền nhiễm, bệnh viện Đa khoa Thành phố Đồng Hới nói “ chị Nguyệt là một điều dưởng trưởng tận tâm, trong công việc chị rất nghiêm khắc nhưng bản thân chị là một người nhiệt tình, hòa đồng, thân thiện và đoàn kết với anh chị em đồng nghiệp trong khoa.”. Hết mình vì người bệnh là thế, nhưng chị Nguyệt vẫn không quên nghĩa vụ với gia đình, với đặc thù công việc bận rộn, để trở thành một người mẹ hiền, vợ đảm quả không phải dễ dàng. Được biết, do tính chất của nghề đi biển, lênh đênh hàng tháng trên biển, chồng chị Nguyệt thường xuyên phải xa nhà, vậy nên mọi việc trong gia đình hầu như đều do chị quán xuyến, để vừa chăm lo cho gia đình vừa đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Bệnh viện chị Nguyệt đã phải nỗ lực rất nhiều. Chị Nguyệt tâm sự: “ Cũng chỉ biết cố gắng làm tốt mọi việc, con cái và gia đình là động lực để bản thân phấn đấu nhưng cũng không thể vì gia đình mà lơ là công tác, mỗi người bệnh khi đã vào Bệnh viện, vừa đau đớn vừa lo lắng, là một cán bộ ngành Y thì không chỉ quan tâm đến điều trị cho lành bệnh mà còn phải trở thành điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân”

Với sự cố gắng nỗ lực không ngừng trong suốt quá trình công tác nên nhiều năm liền chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Sở Y tế tặng giấy khen và có lẽ phần thưởng cao quý nhất mà chị giành được đó chính là tình cảm, sự yêu mến và quý trọng của đồng nghiệp, của bệnh nhân dành cho chị. Sự tận tâm, tận lực của chị đã mang lại niềm tin, nghị lực giúp nhiều bệnh nhân vượt qua sự đau đớn dày vò của bệnh tật. Vì thế, hình ảnh người điều dưỡng trưởng Trần Thị Nguyệt càng trở nên cao đẹp, đáng trân quý hơn.

                                                                             Thu Hoài