Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ và hậu quả của mưa lũ để lại với môi trường và sức khoẻ người dân, Cục quản lý môi trường y tế, Bộ y tế đã có những hướng dẫn cụ thể về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và xử lý nước sinh hoạt để người dân vùng lũ ổn định cuộc sống bảo vệ sức khoẻ.
Thứ nhất: VỆ SINH CÁ NHÂN
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch: trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đồ vật bẩn, nước bẩn.
- Thực hiện ăn chín, uống chín.
- Sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm.
- Không ăn thức ăn ôi thiu, thực phẩm quá hạn sử dụng, thịt gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt.
- Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập lụt.
- Sử dụng khăn mặt, quần áo riêng. Giặt và phơi khăn mặt, quần áo ra nắng. Không mặc quần áo ẩm ướt.
- Ngủ màn.
(Làm trong nước à Khử trùng và Đun sôi (nếu uống trực tiếp))
Bước 1: Làm trong nước
- Bằng phèn chua:
+ Chuẩn bị phèn chua: Cứ 20 lít nước sử dụng 1g phèn chua.
+ Hòa tan 1g phèn chua vào một gáo nước (khoảng 500ml).
+ Đổ gáo nước đã hòa tan phèn chua vào xô đựng 20 lít nước cần xử lý, khuấy đều.
+ Chờ khoảng 30’ cho cặn lắng xuống đáy xô, gạn lấy nước trong đổ vào một xô sạch khác để khử trùng.
- Bằng vải (nếu không có phèn chua):
Dùng vải sạch để lọc, giữ lại cặn bẩn. Loại bỏ cặn bẩn trên vải sau mỗi lần lọc. Lọc đi lọc lại vài lần đến khi nước trong.
Bước 2: Khử trùng nước
Nước đã làm trong có thể được khử trùng bằng một trong hai cách sau:
- Bằng hóa chất:
+ Chuẩn bị hóa chất:
Viên Cloramin B 0,25g: Khử trùng cho 25 lít nước đã được làm trong.
Hoặc viên Aquatabs (67 mg): Khử trùng cho 20 lít nước đã được làm trong.
+ Khử trùng:
Cloramin B 0,25g: Cho 01 viên vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được.
Aquatabs 67mg: Cho 1 viên vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.
- Bằng cách đun sôi: Nước phải được đun sôi ít nhất 1 phút kể từ lúc nước bắt đầu sôi.
- Bằng thiết bị lọc: Sử dụng thiết bị lọc nước đảm bảo chất lượng để lọc nước đã được làm trong.
Ghi chú:
- Nước đã được làm trong và khử trùng có thể sử dụng cho các mục đích nấu ăn, sinh hoạt.
- Nếu uống trực tiếp vẫn phải đun sôi trước khi uống
Thứ 3: XỬ LÝ NƯỚC GIẾNG ĐÀO
Bước 1: Thau rửa giếng
- Khơi thông các vũng nước xung quanh khu vực giếng
- Tháo bỏ nắp và ni lông bịt miệng giếng
- Múc nước giếng dội lên thành giếng cho trôi hết đất cát và rác bám trên thành giếng, sàn giếng
- Nếu giếng ngập lụt, nước đục: Múc hoặc dùng máy bơm hút cạn nước và vét hết bùn cặn trong giếng.
- Nếu giếng không bị nước lụt tràn vào, vẫn trong: Nếu có điều kiện thì hút nước và thau rửa. Không thì tiến hành làm trong giếng nước.
Bước 2: Làm trong giếng nước
- Tính toán thể tích nước trong giếng (tính bằng chiều cao cột nước x diện tích hình tròn miệng giếng).
- Hòa tan 50g phèn chua cho mỗi 1m3 nước (có thể 100g nếu nước đục nhiều) vào 1 gầu nước, tưới đều lên giếng nước.
- Thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần.
- Chờ 30 phút – 60 phút cho cặn lắng hết
Bước 3: Khử trùng
- Chuẩn bị hóa chất: Thường dùng Cloramin B 25%: Tùy theo thể tích nước trong giếng để tính lượng Cloramin B 25% cần thiết (để khử trùng 1m3 nước cần 10g Cloramin B 25%).
- Hòa lượng hóa chất vào một gầu nước, khuấy đều cho tan hết. Tưới đều gầu nước này vào giếng.
- Thả gầu chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên kéo xuống khoảng 10 lần. Múc nước giếng này dội lên thành giếng để khử trùng thành giếng.
- Chờ sau khoảng 30 phút là có thể dùng được
XỬ LÝ NƯỚC GIẾNG KHOAN
- Làm vệ sinh bơm, sàn giếng: Loại bỏ hết bùn, đất, rác bám trên vòi bơm, sàn giếng.
- Bơm hết nước đục, đến khi thấy nước trong thì bơm thêm 15’ nữa, bỏ nước đi sau đó có thể sử dụng được.
Thứ tư: VỆ SINH MÔI TRƯỜNG
Nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó
- Làm sạch bùn, phù sa ra khỏi nhà, tường, đồ đạc, vật dụng, sân, đường đi...
- Dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, đồ dùng, vật dụng.
- Khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước đọng, phát quang các bụi rậm quanh nhà.
- Làm vệ sinh, tu sửa nhà tiêu nếu hư hỏng.
- Thu gom rác thải, chất thải, xác súc vật chết để xử lý, chôn lấp và tẩy uế theo quy định, tránh gây ô nhiễm nguồn nước.
- Thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, lăng quăng và muỗi. Phun hóa chất diệt côn trùng, khử trùng môi trường ở những nơi nguy cơ cao.