Từ ngày 09-13/10/2023, tại TP.Đồng Hới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế tổ chức khoá đào tạo, cập nhật kiến thức cho Cô đỡ thôn bản và các hộ sinh thuộc xã có đội ngũ cô đỡ thôn bản tại các huyện: Tuyên Hoá, Bố Trạch và Lệ Thuỷ. Tham dự và chỉ đạo khoá đào tạo có bác sĩ Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc CDC và giảng viên tuyến Trung ương, là chuyên gia sản - phụ khoa; giảng viên tuyến tỉnh là bác sĩ chuyên khoa sản có kinh nghiệm trong quản lý và đào tạo về cô đỡ thôn bản.
Bác sĩ Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc CDC phát biểu chỉ đạo tại lớp tập huấn
Phát biểu chỉ đạo tại khoá đào tạo, bác sĩ Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc CDC cho biết: Tỉnh Quảng Bình với địa bàn phức tạp, nhiều vùng khó khăn cách xa trung tâm, hệ thống cô đỡ thôn bản chính là cầu nối quan trọng giữa nhân dân với các hoạt động chăm sóc y tế. Đồng chí mong muốn, trong 5 ngày tham gia khóa đào tạo, các học viên sẽ tham gia học tích cực, tiếp thu các kiến thức được cung cấp để thực hiện thành thạo các kĩ năng giúp cho các bà mẹ vùng cao chuyển dạ an toàn, phát hiện sớm các bà mẹ có nguy cơ, tiên lượng các ca khó để kịp thời chuyển tuyến, từng bước giúp người dân tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa xóa bỏ các hủ tục lạc hậu về sinh đẻ, hạn chế tai biến sản khoa, góp phần làm giảm tỉ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh trên địa bàn toàn tỉnh.
Ths. Bs Bùi Thị Phương chuyên gia sản - phụ khoa của Bộ Y tế làm giảng viên lớp đào tạo
Tại khoá học, các học viên được đào tạo cập nhật những kiến thức cơ bản như: Vận chuyển bà mẹ và trẻ sơ sinh đến cơ sở y tế an toàn, quản lý và chăm sóc bà mẹ thời kỳ thai nghén, phát hiện chuyển dạ xử lý chuyển dạ, chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ có sử dụng gói đỡ đẻ sạch, xử lý trẻ không thở ngay sau đẻ, xử lý chảy máu trong và ngay sau đẻ... Các học viên tham gia lớp tập huấn ngoài việc được cập nhật kiến thức lý thuyết còn được chia nhóm thực hành, phân vai tạo tình huống để nâng cao khả năng xử trí, ứng dụng kiến thức được học vào thực tế.
Các học viên được thực hành “cầm tay chỉ việc”
Thời gian tới, cùng với việc đào tạo cập nhật nâng cao kiến thức chuyên môn, ngành y tế Quảng Bình tiếp tục phối hợp tham mưu thực thi chính sách đãi ngộ đối với Cô đỡ thôn bản, nhằm hỗ trợ, động viên và duy trì hoạt động của đội ngũ này, góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em. Từ đó, góp phần giảm tử vong ở bà mẹ, trẻ em; nâng cao tầm vóc, thể lực và chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nguyễn Trang