Sidebar Menu

  (QBĐT) - Khi học sinh tựu trường cũng là thời điểm giao mùa, các bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát và có thể lây lan thành dịch lớn. Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh (HS), ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong nhà trường.
Ông Phạm Đăng Hải, phụ trách công tác y tế trường học, Sở GD-ĐT cho biết: Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khi HS học tập trực tiếp; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở trường học; rà soát số lượng tiêm vắc-xin và tổ chức tiêm bổ sung cho HS tại các cơ sở giáo dục.
Sở yêu cầu các nhà trường thường xuyên vệ sinh khuôn viên trường lớp, cảnh quan bảo đảm xanh, sạch, đẹp, tuyệt đối không để nước tù đọng, tạo điều kiện cho lăng quăng phát triển gây dịch sốt xuất huyết. Thống kê số lượng HS nghỉ học hàng ngày, nắm bắt kịp thời và chính xác nguyên nhân nghỉ học của HS nhằm kiểm soát nguồn lây bệnh, ngăn chặn không để bùng phát dịch bệnh.
Tại Trường mầm non Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới), đầu giờ sáng hàng ngày, các giáo viên có mặt rất sớm để đón trẻ và thực hiện hướng dẫn sát khuẩn tay cho các cháu ngay khi vào lớp học theo đúng quy định. Để bảo đảm an toàn khi vào năm học mới, trước đó, nhà trường đã phối hợp với y tế địa phương khử khuẩn toàn bộ khu vực sân trường và lớp học; phân công cán bộ, giáo viên thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, các đồ vật, đồ chơi, sàn nhà, phòng học, khu vệ sinh...

Cô Nguyễn Thị Ngân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cùng với công tác vệ sinh phong quang trường lớp, nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả thông qua các kênh zalo, facbook và bảng tin của trường, lớp, nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ đến trường học tập và vui chơi.
Cô Nguyễn Thị Việt Hà, Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới cho biết: Vào đầu năm học, phòng đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS về công tác phòng, chống dịch bệnh, làm tốt vệ sinh môi trường; phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, lưu ý cán bộ, giáo viên khi phát hiện dấu hiệu của dịch bệnh cần báo ngay cho đơn vị y tế trên địa bàn để có các biện pháp xử lý kịp thời. Mặt khác, chú trọng kiểm tra, rà soát, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị, chủ động xây dựng các phương án, đáp ứng với mọi tình huống của dịch có thể xảy ra.
Ghi nhận tại Trường tiểu học Quảng Phong (TX. Ba Đồn), tại mỗi lớp học đều được bố trí dung dịch nước rửa tay để các em giữ vệ sinh thường xuyên… 100% HS và giáo viên tuân thủ nghiêm túc việc khử khuẩn khi vào lớp học. Học sinh tự chuẩn bị bình nước uống cá nhân, tránh tình trạng dùng chung cốc…
Nhà trường cũng đã chủ động bố trí phòng riêng để cách ly, theo dõi sức khỏe kịp thời khi phát hiện HS có biểu hiện ho, sốt... Công tác y tế cũng được đơn vị quan tâm, đầu tư với việc chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ số thuốc thiết yếu; đồng thời tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động phụ huynh, HS tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
 
 
Học sinh khử khuẩn tay trước khi vào lớp họcjpgHọc sinh khử khuẩn tay trước khi vào lớp học.
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, cán bộ y tế Trường tiểu học Quảng Phong cho biết: Khi phát hiện các trường hợp HS có dấu hiệu ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, chúng tôi đều cho cách ly tại phòng y tế và thông báo cho phụ huynh về tình hình sức khỏe của trẻ; đồng thời báo ngay cho cơ quan y tế để có hướng xử lý kịp thời; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm khử khuẩn khuôn viên lớp học, đồ dùng HS bảo đảm môi trường học tập an toàn cho cả lớp.
Bước vào năm học mới 2022-2023, công tác dạy và học diễn ra thuận lợi và an toàn. Đến thời điểm này dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên các dịch bệnh khác lại bùng phát, đặc biệt là sốt xuất huyết… Để hoàn thành nhiệm vụ năm học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch năm học linh hoạt, trong đó, nâng cao vai trò của y tế trường học, sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đến nay, hầu hết các đơn vị trường học đều có phòng y tế riêng, thuận tiện cho công tác sơ cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS.
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện nay thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút, nấm phát triển, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Đặc biệt là các bệnh dịch ở trẻ em, trong đó có những bệnh mắc khi thời tiết chuyển mùa, như: Thủy đậu, tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm, sởi, quai bị, tiêu chảy và các dịch bệnh khác… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh nhằm xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.     
         
Tay chân miệng, tiêu chảy, thủy đậu... là những bệnh thường gặp và dễ lây lan trong trường học. Ngành Y tế khuyến cáo: Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống (ăn chín, uống chín); không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn, vật dụng ăn uống (như cốc, bát, đĩa, thìa), đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày, như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
                                         
Nhật Dương