Sidebar Menu

Sức khỏe tâm thần là trạng thái lành mạnh về tinh thần và ở đó cá nhân nhận ra những năng lực của chính mình, có thể đương đầu với các stress thông thường của cuộc sống, có thể làm việc năng suất và hiệu quả, có thể tạo ra những hiệu quả lao động từ trí óc và tinh thần cho chính bản thân, cộng đồng của mình. Năm 2024, chủ đề được chọn để phát động trong Ngày sức khoẻ tâm thần thế giới 10-10 là “Ưu tiên sức khoẻ tâm thần tại nơi làm việc”Chủ đề này nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của sức khỏe tâm thần trong môi trường chuyên môn, phù hợp với các nguyên tắc sáng lập của liên đoàn sức khoẻ tâm thần thế giới được thành lập vào năm 1948. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ phối hợp với các bên liên quan để làm nổi bật tầm quan trọng của mối quan hệ cơ hữu giữa sức khoẻ tâm thần và công việc, mục tiêu là thu hút tất cả các bên – bao gồm người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức liên quan để vận động, thúc đẩy sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, để sức khỏe tâm thần được ưu tiên, bảo vệ.

 

Ưu tiên cho sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc

Áp lực tại nơi làm việc là một vấn đề đáng báo động và gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân cũng như ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả công việc.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa sức khỏe tâm thần là trạng thái hạnh phúc trong đó một cá nhân nhận ra khả năng của chính mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường của cuộc sống, có thể làm việc hiệu quả và có thể đóng góp cho cộng đồng.Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, chăm sóc sức khoẻ tinh thần luôn là điều quan trọng không chỉ cho cá nhân mà cho toàn xã hội. Trên thực tế rất khó để có sự phân định rạch ròi giữa bình thường – khỏe mạnh, lành mạnh về tâm thần với có vấn đề – rối loạn tâm thần.  Bởi đâu đó mỗi cá nhân đều có những lúc có hành vi “lệch chuẩn” hoặc những cảm xúc thái quá như đau buồn, lo lắng, bất an hoặc những hành vi kém thích nghi…nhưng vấn đề đặt ra là những biểu hiện đó nhất thời hay lâu dài. Và họ được nhìn nhận là “có vấn đề về sức khỏe tâm thần” chỉ khi các biểu hiện này là quá mức.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, một trong những vấn đề cấp bách nhất ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần ở nơi làm việc là mệt mỏi, kiệt sức. Công việc giúp con người có thu nhập, phát triển nhân cách, được thoả mãn nhu cầu tự thể hiện, được kết nối với xung quanh, tạo nên những giá trị cuộc sống. Môi trường làm việc có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm thần của con người: một môi trường an toàn, lành mạnh đóng vai trò là yếu tố bảo vệ sức khỏe tâm thần; ngược lại, môi trường làm việc không lành mạnh như bị kỳ thị, phân biệt đối xử, bị quấy rối hay điều kiện làm việc tồi tệ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống nói chung và năng suất làm việc. Thế giới phát triển không ngừng, tiến bộ, thay đổi hàng ngày, con người cũng phải chạy đua để theo kịp. Áp lực công việc là động lực có thể giúp con người rèn luyện bản thân, mỗi thử thách gặp phải, mỗi mâu thuẫn trong các mối quan hệ hay công việc đều giúp bạn hoàn thiện chính mình, nhưng đôi khi nếu áp lực quá nhiều, bạn có thể cảm thấy mình vô dụng. Nhiều người đang phải trải qua những căng thẳng kéo dài mạn tính dẫn đến kiệt sức. Những căng thẳng đó diễn biến hàng ngày một cách âm thầm, chúng ta đôi khi khó nhận thức những biến đổi. Nó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn góp phần vào những hậu quả lớn hơn trong cơ quan, tổ chức.

Tại Việt Nam, thời gian vừa qua, làn sóng công chức, viên chức nghỉ việc có xu hướng gia tăng, không chỉ vì lương thấp mà một phần không nhỏ vì áp lực, căng thẳng trong công việc, con số gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc trong 2 năm rưỡi vừa qua là một minh chứng khó phủ nhận. Căng thẳng tại nơi làm việc - một vấn đề đáng báo động với nhiều hệ lụy, nhưng thực tế hiện nay, từ người lao động đến cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí ngay cả tổ chức công đoàn các cấp vẫn chưa nhận thức đúng mức về thực trạng này và dành sự quan tâm để giải quyết. Hầu hết chính sách phúc lợi cho nhân viên hiện vẫn tập trung vào chăm sóc sức khỏe thể chất, trong khi đó, các chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần mới ở giai đoạn đầu hoặc chưa có. Chúng ta đang sống trong một cộng đồng mà mọi người đều chạy theo những quy chuẩn của xã hội, kỳ vọng của gia đình hoặc thành công của những người xung quanh. Việc cố gắng đạt được những thành quả không phù hợp với bản thân chỉ khiến mỗi người thêm áp lực và cảm thấy tồi tệ hơn nếu thất bại.

Sức khỏe tâm thần là quyền cơ bản của con người đối với tất cả mọi người, bất kể họ ở đâu, đều có quyền đạt được tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe tâm thần. Điều này bao gồm quyền được bảo vệ khỏi các rủi ro về sức khỏe tâm thần, quyền được chăm sóc có sẵn, dễ tiếp cận, có thể chấp nhận và có chất lượng tốt cũng như quyền tự do, độc lập và hòa nhập vào cộng đồng. Sức khỏe tâm thần của một người bất kể tuổi tác, giới tính cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của họ. Tình trạng sức khỏe tâm thần cũng là bệnh tật và có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và thể chất. Vì vậy, chúng ta cần chia sẻ trách nhiệm về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, từ người sử dụng lao động đến người lao động, từ giám đốc, người quản lý đến nhân viên. Mỗi người cần có những cách khác nhau để thư giãn, cần những cải thiện, thay đổi để tăng cường khả năng chống đỡ, hồi phục của cơ thể. Chúng ta phải đoàn kết trong việc rèn luyện bản thân, hỗ trợ nhau để hạn chế các căng thẳng và tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, nơi sức khỏe tâm thần là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Giải quyết được tình trạng mất hứng thú, chán nản, thiếu năng lượng làm việc, tạo ra một nơi làm việc lành mạnh về tinh thần, khiến người lao động cảm thấy an toàn, khỏe mạnh tại nơi làm việc thì họ sẽ gắn bó với cơ quan, tổ chức và làm việc năng suất, hiệu quả hơn. Điều này mang lại lợi ích cho người lao động, người sử dụng lao động cũng như toàn bộ nền kinh tế.

                                                                                          Mai An