Sidebar Menu

Bệnh chốc
 
Chốc là bệnh nhiễm trùng nông ở da, do vi khuẩn gây ra. Bệnh phổ biến hơn ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Biểu hiện bệnh là bọng nước nông, nhanh chóng hóa mủ, dễ dập vỡ đóng vảy tiết màu vàng mật ong, bệnh lây lan nên còn được gọi là “chốc lây”.
Chốc hay gặp ban đầu ở quanh các hốc tự nhiên như mũi, miệng, tai, vùng da hở như mặt, tay, chân, trên đầu có thể gây bết tóc, sau đó có thể lây ra các vùng khác trên cơ thể.
 
432729621 393277680115501 3847735261363688901 n
Ảnh minh họa
 
Các yếu tố thuận lợi gây bệnh chốc
 
Ảnh minh họa 2024
Ảnh Minh họa
 
Tuổi nhỏ càng hay mắc, bệnh thường lan tỏa hơn (hay gặp trẻ 2-5 tuổi)
Thời tiết nóng ẩm, mùa hè, ở chật chội, vệ sinh kém, trẻ suy dinh dưỡng.
Những vết thương, tổn thương trên da dễ làm cho trẻ mắc bệnh chốc hơn, ví dụ: trẻ đang bị bệnh chấy rận, ghẻ, herpes, viêm da cơ địa, côn trùng đốt, trầy xước da
 
 
Chăm sóc trẻ bị bệnh chốc
 
Quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ chốc lây lan sang vùng da khác của trẻ hoặc lây sang người khác: mặc quần áo dài hoặc sử dụng gạc không dính để che thương tổn.
 
Rửa thương tổn nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý, sát trùng bằng povidone iodine hoặc chlorhexidine.
 
Trẻ vẫn được tắm gội thường xuyên hàng ngày. Không kiêng thức ăn đặc biệt nào.
Thương tổn nhiều, lan rộng, nên cho trẻ nghỉ học để kiểm soát bệnh và tránh lây cho trẻ khác.
 
Cần đưa trẻ đi khám khi nào?
 
 
Chốc là bệnh lành tính. Xử trí hoặc điều trị kịp thời, hầu hết bệnh chốc khỏi sau 7-10 ngày, không để lại sẹo. Tuy nhiên, bệnh có thể gây một số biến chứng như viêm quầng, viêm mô bào, hội chứng bong vảy da do tụ cầu, nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận, hoặc chốc loét khỏi sẽ để lại sẹo… Do vậy, trẻ cần được thăm khám sớm khi thương tổn xuất hiện 2 ngày không có biểu hiện thuyên giảm hoặc xuất hiện thêm các biểu hiện khác, ví dụ: sốt, quấy khóc nhiều…
BsCKI. Hà Phượng