Sidebar Menu

Từ ca mắc đầu tiên xuất hiện triệu chứng vào ngày 9/6/2025, đến ngày 10/7/2025, ở thành phố Huế đã ghi nhận 31 ca mắc liên cầu lợn, số ca bệnh rải rác tại các địa phương trên địa bàn, trong đó có 1 ca tử vong.

84bb5ea0fb9d4dc3148c.jpg

7a9d0b84aeb918e741a8.jpgBệnh nhân bị nhiễm bệnh liên cầu lợn (Ảnh TL)

Người mắc liên cầu lợn đầu tiên là bà C.T.P. (68 tuổi, trú tại phường Hương Chữ) sống ở khu vực không có hộ dân nào nuôi lợn và trong 14 ngày gần nhất không ghi nhận trường hợp lợn ốm, chết bất thường cũng như không xảy ra dịch lợn tai xanh. Được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, kết quả cấy máu cho thấy bà P. dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis (liên cầu lợn) và được điều trị tích cực. Thông tin khai thác dịch tễ cho biết, bà P. có thói quen thỉnh thoảng ăn các món ăn được chế biến từ thịt lợn và món chả da lợn mua ở chợ. Ngày 8/6/2025, bà P. mua cháo lòng lợn về ăn cùng con rể và cháu. Hôm sau, bà P. sốt cao, chóng mặt, mệt mỏi và được đưa vào Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế sau khi tự dùng thuốc tại nhà không hiệu quả. Trường hợp tử vong do mắc liên cầu lợn là anh B.V.C. (50 tuổi, trú tại phường Thuận Hóa) được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế trưa ngày 2/7/2025 trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn và tử vong sau đó. Kết quả xét nghiệm xác định anh C. dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis. Hầu hết người bệnh có kết quả chẩn đoán dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis được khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Trung ương Huế điều trị từ cuối tháng 6/2025 đến nay đều có các triệu chứng khởi phát là sốt cao, đau đầu, buồn nôn, đau nhức xương, chóng mặt, mệt mỏi,... Các ca bệnh xuất hiện rải rác ở phường Thuận Hóa, phường Dương Nỗ, phường An Cựu, phường Thuận An phường Thủy Xuân, phường Kim Long, phường Phú Xuân và phường Hương An chưa rõ nguồn lây. Điều tra dịch tễ cho thấy, nhà người bệnh và các hộ xung quanh không nuôi lợn cũng tại khu vực sinh sống của họ không ghi nhận tình trạng lợn mắc bệnh trong vòng 2 tuần vừa qua. Trong cuộc họp báo thường kỳ quý II được Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế tổ chức vào sáng ngày 10/7/2025, thông tin về công tác phối hợp phòng chống dịch sau khi ghi nhận nhiều ca bệnh mắc liên cầu lợn cho biết, lúc 21 giờ ngày 9/7/2025, cơ quan chức năng đã phát hiện lò mổ Thủy Dương ở xã Thanh Thủy đang giết mổ 1 lợn nái và 1 lợn thịt ngoài giờ giết mổ quy định có chấm đỏ trên chân và đầu, phần nội tạng có biểu hiện bệnh tích.

Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis) lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn mắc bệnh. Khi mắc liên cầu lợn, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng; nếu người bệnh hồi phục thì vẫn có thể mắc phải một số di chứng.

Để phòng bệnh liên cầu lợn, ngành y tế khuyến cáo: Không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa được nấu kỹ. Không ăn tiết canh lợn và các loại thịt tái, thịt sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, kính bảo vệ mắt; rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn, đặc biệt khi phải xử lý lợn mắc bệnh hoặc lợn chết. Khi trên cơ thể có vết thương hở hoặc có các vùng da bị tổn thương thì không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn tươi sống, nếu phải thực hiện thì băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và dùng chất khử trùng sau khi hoàn thành. Rửa sạch các vật dụng dùng chăm sóc, giết mổ hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng bằng xà phòng sạch. Thực hiện tốt vệ sinh thú y, đảm bảo môi trường khu vực chăn nuôi lợn và các loại gia súc sạch sẽ, thoáng khí, ủ phân để diệt mầm bệnh. Không mua bán, vận chuyển lợn nhiễm bệnh từ khu vực có lưu hành bệnh tới khu vực khác. Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, lợn chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.

THỤC KHANH (tổng hợp)