(QBĐT) - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đỗ Quốc Tiệp cho biết: Thực hiện công văn của Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế, CDC tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu giám đốc trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát đối tượng từ 6-9 tháng tuổi, 1-10 tuổi và đăng ký nhu cầu vắc-xin ngay trong ngày 17/3; đồng thời, tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm phòng, chống dịch sởi trên địa bàn toàn tỉnh trong tháng 3/2025 theo yêu cầu công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
ăm 2025, bệnh sởi diễn biến khá phức tạp ở cả Việt Nam và trên thế giới. Tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận khoảng 38.807 ca nghi sởi tại 63 tỉnh, thành và 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi, gần bằng cả năm 2024. Khoảng 90,8% ca mắc là do không tiêm chủng vắc-xin sởi (báo cáo của Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh sởi ngày 15/3/2025).
Nguyên nhân chính của sự bùng phát bệnh sởi trên thế giới và tại Việt Nam được xác định là tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin thấp do ảnh hưởng của đại dịch covid-19. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi phải đạt tối thiểu 95% thì mới đủ miễn dịch cộng đồng trong phòng, chống bệnh sởi.
Tại Quảng Bình, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 75 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (trong đó, 53 trường hợp dương tính với virus sởi) ở hầu hết các địa phương; tập trung chủ yếu ở Bố Trạch, Minh Hóa, Ba Đồn.

Ngày 17/3/2025, CDC tỉnh đã có công văn đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các biện pháp truyền thông phòng, chống bệnh sởi trên hệ thống thông tin đại chúng, loa truyền thanh, các nền tảng mạng xã hội,… để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bệnh sởi cũng như tầm quan trọng của tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh sởi, nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Hương Lê