Sidebar Menu

Chiều ngày 10/4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì tại điểm cầu Bộ Y tế. Tham dự tại điểm cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình có đại diện lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các phòng ban liên quan.

Bộ_trưởng_Bộ_Y_tế_Đào_Hồng_Lan_phát_biểu_chỉ_đạo_tại_hội_nghị_2024.jpgBộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, số ca mắc tích luỹ đến ngày 7/4/2024 của bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng trên cả nước. Miền Nam: trên 7.500 ca (chiếm 74,1), Miền Bắc: trên 1.300 ca (chiếm 13,3%), Miền Trung: trên 1.000 ca (chiếm 9,8%), Tây Nguyên: trên 200 ca (chiếm 2,8%)… tình hình bệnh sốt xuất huyết, cúm gia cầm A(H9N2) trên người và một số bệnh có vắc xin dự phòng cũng có diễn biến phức tạp.

Tại hội nghị, Cục Quản lý khám, chữa bệnh thông tin kết quả thu dung điều trị bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện nhiệt đới TW, Nhi TW, Bạch Mai, TW Huế, Bệnh viện Bệnh nhiệt Thành phố Hồ Chí Minh và các bệnh viện Nhi đồng… với mục tiêu toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng thu dung, điều trị các ca bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại hội nghị, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình TCMR đã tóm tắt kết quả triển khai các vắc xin trong Chương trình TCMR giai đoạn 2013-2023. Theo đó, toàn quốc ghi nhận trên 14.000 điểm tiêm chủng (gồm các điểm tiêm tại TYT và điểm tiêm chủng ngoài trạm). Năm 2023 do ảnh hưởng từ việc thiếu vắc xin 5.1 trên quy mô toàn quốc từ tháng 2/2023 nên tỷ lệ tiêm chủng trong năm 2023 đạt thấp. Các địa phương đã tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ thiếu mũi ngay trong những tháng đầu năm 2024. Trong những năm qua, Bộ Y tế, Chương trình TCMR thường xuyên duy trì các hoạt động tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi-rubella để đảm bảo trẻ em được tiêm chủng phòng bệnh và không để khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng.

Đầu cầu trực tuyến một số Sở Y tế trên cả nước cũng tham gia tham luận về các nội dung phòng chống dịch như: Hà Nội (công tác phòng chống SXH và ho gà), TP. Hồ Chí Minh (phòng chống tay chân miệng), Nghệ An (một số bệnh có vắc xin dự phòng), Ninh Bình (công tác tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm chủng)…

Điểm_cầu_tại_Trung_tâm_Kiểm_soát_bệnh_tật_2024.jpgĐiểm cầu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, nhất là trong kì nghĩ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan yêu cầu các tỉnh phải chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch với quan điểm phòng bệnh từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở. Tăng cường phối hợp giữa ngành y tế với các bộ, ban, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Chủ động công tác giám sát, triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Thực hiện sớm, kịp thời các hoạt động đáp ứng với dịch bệnh truyền nhiễm. Đẩy mạnh hoạt động của các văn phòng đáp ứng khẩn cấp với sự kiện y tế công cộng để hỗ trợ công tác giám sát, cảnh báo và đề xuất các biện pháp đáp ứng kịp thời, phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng các phương án để ngăn chặn sự xâm nhập và hạn chế lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước cần chủ động tham mưu với UBND các tỉnh, chủ động phối hợp tìm nguồn cung ứng thuốc trong công tác phòng chống dịch.

Lê Dung