Nước sạch là nhu cầu cơ bản của con người. Nước chiếm đến 70-80% trọng lượng cơ thể con người, nước có khả năng cung cấp nguồn chất khoáng, vận chuyển chất dinh dưỡng và nuôi dưỡng tế bào. Hưởng ứng Ngày lương thực thế giới (16/10) năm nay, Bộ Y tế phát động Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16-23/10 năm 2023 với chủ đề: “Sử dụng và bảo vệ nước sạch đúng cách để cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Nước sạch là nhu cầu cơ bản của con người
WHO từng cảnh báo Việt Nam có tới 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và chất lượng nước kém, thiếu vệ sinh. Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn. Nước nguồn và nước uống khu vực nông thôn là gần như không được kiểm soát. Dự báo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, nếu không giải quyết được tình trạng ô nhiễm, Việt Nam không chỉ thiếu nước sạch để sử dụng mà còn phải mua nước với giá cao và mất đến 4% GDP vào năm 2035.
Trong những năm qua tại tỉnh Quảng Bình, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được triển khai góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và nâng cao chất lượng nguồn nước từ đó có sự chuyển biến rõ nét trong vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đoàn công tác của CDC đo các chỉ tiêu tại hiện trường các nhà máy cấp nước theo quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT.
Theo quy định, chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất hằng năm. Từ đầu năm đến hết tháng 07/2023, CDC đã tiến hành ngoại kiểm chất lượng nước sạch tại 13 cơ sở cấp nước thuộc các đơn vị: Công ty cổ phần cấp nước Quảng Bình (có 7 nhà máy nước: Kiến Giang, Rào đá, Hải Thành, Quy Đạt, Hoàn Lão, Nông trường Việt Trung và Phú Vinh); Ban quản lý dự án ODA Quảng Trạch (Nhà máy xử lý nước số 1); Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (có 3 công trình, 1 hệ thống cấp nước): Cụm xã Sơn Thủy, Ngân Thủy và thị trấn Nông trường Lệ Ninh (Lệ Thủy), cụm xã Tiến Hóa, Châu Hóa, Văn Hóa (Tuyên Hóa), cụm Thanh Trạch (Bố Trạch) và Hệ thống cấp nước sạch cho cụm dân cư thôn Thái Xá.
Qua công tác kiểm tra cho thấy, các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh cơ bản tuân thủ các quy định về bảo đảm chất lượng nước sạch của Bộ Y tế và các quy định của pháp luật khác có liên quan, như: Lưu trữ, quản lý hồ sơ về chất lượng nước sạch (sổ nhật ký vận hành, hồ sơ quản lý hóa chất, phiếu kết quả các đợt thử nghiệm); báo cáo biện pháp khắc phục khi có sự cố xảy ra liên quan đến chất lượng nước sạch; tuân thủ việc thực hiện công khai các kết quả thử nghiệm chất lượng nước sạch lên website của đơn vị; thực hiện chế độ nội kiểm và báo cáo kết quả chất lượng nước sạch định kỳ theo quy định. Các thông số đo tại hiện trường của các công trình cấp nước đều nằm trong ngưỡng quy chuẩn cho phép theo QCVN 01-1:2018/BYT…
Bác sĩ CKII Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết: “Người dân cần được hưởng nguồn nước sạch chất lượng, hợp vệ sinh cho mục đích sinh hoạt theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh ta, tại một số xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển còn khan hiếm về nguồn nước, dân cư phân tán nên chỉ có số ít thôn, bản đã được lắp đặt các hệ thống dẫn nước sạch, phần lớn người dân vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nước từ các giếng đào và sông, suối nên không đảm bảo an toàn vì dễ bị ô nhiễm từ các hoạt động canh tác, cùng với việc xả thải trực tiếp ra môi trường từ người dân. Chính vì nguồn nước không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn nên dẫn đến nguy cơ về dịch bệnh như: tiêu chảy, đau mắt đỏ và nhiễm ký sinh trùng…trong đó trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất của các bệnh này”
Cân đo chiều cao, cân nặng của trẻ dưới 5 tuổi để đánh giá tình trạng dinh dưỡng.
Với những kết quả đạt được trong công tác quản lý chất lượng nguồn nước sạch, cùng các hoạt động thiết thực cải thiện tình trạng dinh dưỡng mà CDC đã triển khai trong năm 2023, cụ thể: Trẻ em 6 - 60 tháng tuổi được bổ sung viên nang vitamin A liều cao 2 đợt/ năm (đạt 99,05%); tổ chức cân đo theo dõi tăng trưởng và tẩy giun cho trẻ dưới 5 tuổi (đạt 98,6%); bổ sung viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai và bổ sung đa vi chất cho trẻ dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi trên địa bàn huyện Minh Hóa; xã Ngư Thủy, Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy), Phù Hóa (Huyện Quảng Trạch), Liên Trạch (huyện Bố Trạch); ứng dụng phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 07 tháng đến 60 tháng tuổi” cho 3.035 bà mẹ, tỷ lệ cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến tỉnh, huyện, xã được tập huấn, cập nhật kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng hàng năm (đạt 100%) ... đã góp phần đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Hưởng ứng Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” năm 2023, CDC tỉnh Quảng Bình đã có văn bản gửi trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai có hiệu quả các hoạt động trong chiến dịch và có báo cáo gửi về tuyến trên để theo dõi, giám sát và kịp thời khen ngợi, nhân rộng điển hình những nơi tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” theo đúng quy định.
Chủ đề của Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” năm 2023:“Sử dụng và bảo vệ nước sạch đúng cách để cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống”
Thông điệp:
1. Khuyến khích phát triển Vườn - Ao - Chuồng để tạo nguồn thực phẩm sẵn có, an toàn.
2. Tổ chức tốt bữa ăn gia đình, bữa ăn học đường bảo đảm đa dạng, cân đối, đủ dinh dưỡng.
3. Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng hợp lý 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện về tầm vóc và trí tuệ.
4. Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, bảo đảm an toàn trong chế biến và bảo quản. Đọc thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng.
5. Sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt. Uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể.
Toàn dân sử dụng hiệu quả nguồn nước để góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe và bảo vệ môi trường
|
Nguyễn Trang