Được biết, khu vực miền Trung-Tây Nguyên luôn được xem là khu vực trọng điểm sốt rét của cả nước. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét. Số trường hợp mắc sốt rét giảm sâu từ 609 trường hợp (năm 2015) đến năm 2023 toàn tỉnh chỉ còn ghi nhận 2 ca sốt rét P.falciparum ngoại lai từ châu Phi về. Không có sốt rét ác tính, không có tử vong do sốt rét, không có dịch sốt rét xảy ra và phạm vi lưu hành bệnh sốt rét cũng đã dần được thu hẹp.
Ngành Y tế tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống và loại trừ sốt rét.
Theo Giám đốc CDCQB Đỗ Quốc Tiệp, bệnh sốt rét là bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây nên; bệnh được truyền từ người bệnh qua người lành thông qua muỗi là vật chủ trung gian truyền bệnh. Bệnh sốt rét có tốc độ lan truyền nhanh, có thể gây thành dịch và làm chết người.
Những năm qua, các hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét đã được ngành Y tế nỗ lực không ngừng, cùng với sự hỗ trợ của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, đến nay, Quảng Bình không còn xuất hiện ổ dịch nào trên địa bàn. Đặc biệt, trong năm 2023, không ghi nhận bệnh nhân sốt rét (ngoại trừ 2 trường hợp ngoại lai về từ châu Phi).
Cùng với việc 2 địa phương là TP. Đồng Hới và TX. Ba Đồn được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét trên quy mô toàn thành phố và toàn thị xã cho thấy, Quảng Bình đang có cơ hội lớn để tiến tới loại trừ sốt rét trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2025 (sớm hơn 5 năm so với lộ trình của Bộ Y tế đề ra loại trừ sốt rét vào năm 2030).
Phun hóa chất diệt muỗi và ngủ màn là những giải pháp hiệu quả để phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét.
“Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, bệnh sốt rét vẫn là mối đe dọa và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Nhiều vấn đề đang hiện hữu như ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi kháng hoá chất, khả năng phục hồi muỗi truyền bệnh ở các vùng đã ngừng các biện pháp can thiệp cùng với mầm bệnh luôn có trong cộng đồng là nguyên nhân gây lây lan trong khu vực. Bên cạnh đó, sự di biến động dân cư khó kiểm soát, trong đó phải kể đến là dân di cư tự do, giao lưu biên giới, dân đi rừng, ngủ rẫy… Cùng với đó, sinh thái môi trường tại các vùng sốt rét lưu hành luôn có nhiều biến động do yếu tố khí hậu, thời tiết; điều kiện kinh tế-xã hội vùng sốt rét còn nhiều khó khăn… là những nguyên nhân có thể làm gia tăng bệnh sốt rét. Do đó, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là và cần nỗ lực nhiều hơn nữa để củng cố các yếu tố bền vững đối với nguy cơ sốt rét quay trở lại”, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp khuyến cáo.
Nội Hà