Theo thống kê từ CDC tỉnh, sáng 27/10, toàn tỉnh ghi nhận 17 trường hợp mắc SXH, tập trung chủ yếu ở huyện Bố Trạch. Như vậy, tích lũy từ đầu năm đến nay, Quảng Bình đã ghi nhận 796 trường hợp mắc SXH tại 8 huyện, thị xã, thành phố. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc SXH của tỉnh ta giảm 86% (796/5.700 ca), không có bệnh nhân tử vong. Đến thời điểm này, Bố Trạch (206 ca) và Quảng Ninh (150 ca) là 2 địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất. Tiếp theo là TP. Đồng Hới 133 ca, Lệ Thủy 115 ca và các huyện còn lại dưới 100 ca.
Bác sĩ Đỗ Xuân Tính, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật-Tư vấn điều trị nghiện chất (Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch) cho biết: Đến sáng nay, tại địa phương đã xuất hiện một số ổ dịch nhỏ SXH ở 7 xã, thị trấn, với số ca mắc trong ngày là 11 trường hợp. Trước đó, qua điều tra, giám sát dịch tễ, giám sát vectơ SXH tại thôn 9 (xã Hạ Trạch), đã ghi nhận có 5 bệnh nhân mắc SXH điều trị tại trạm y tế xã và Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình. Các chỉ số vecto DI 0,6 và BI 30 cho thấy nguy cơ cao bùng phát thành dịch, vì vậy, Trung tâm Y tế huyện đã tranh thủ thời tiết hửng nắng, kịp thời triển khai phun hóa chất phòng, chống SXH chủ động cho toàn bộ người dân thôn 9 trong những ngày vừa qua.
Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch chuẩn bị hóa chất, vật tư và máy phun ULV đeo vai phun hóa chất diệt muỗi tại xã Hạ Trạch.
Là địa phương đang có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh, để khống chế và không để bùng phát thành dịch, Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch tiếp tục phối hợp với các trạm y tế, chính quyền địa phương và các đoàn thể của các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tìm và diệt bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường nhằm hạn chế muỗi truyền bệnh phát triển làm lây lan nguồn bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, cử cán bộ thường xuyên giám sát các ổ dịch cũ, các địa bàn có bệnh nhân mắc SXH để kịp thời có phương án xử lý.
Giám đốc CDC tỉnh Đỗ Quốc Tiệp trao đổi: So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, thời gian qua, dịch SXH ở tỉnh ta được kiểm soát tốt, chỉ xuất hiện rải rác từ 3-5 ca mỗi ngày tại một số địa bàn. Tuy nhiên, từ ngày 23/10 đến nay, ca mắc SXH có dấu hiệu gia tăng, bình quân trên 10 ca mỗi ngày và sáng nay đã ghi nhận 17 trường hợp mắc SXH tại 5/8 huyện, thị xã, thành phố.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh SXH và các bệnh do muỗi truyền nhiễm. Trong thời gian tới, do số ca mắc SXH ở các tỉnh, thành vẫn tăng cao; đặc biệt tỉnh ta đang vào cao điểm mùa mưa lũ, dự báo tình hình bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu chúng ta không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; nhất là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy tại các địa phương.
“Bên cạnh đó, cùng với việc chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, thuốc men, dịch truyền để sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân, thì các cơ sở y tế cần tuân thủ báo cáo ca bệnh SXH cho CDC tỉnh; đồng thời bảo đảm vệ sinh, xử lý môi trường bệnh viện không để muỗi SXH lưu hành, không để bệnh viện là ổ dịch SXH”, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp đề nghị.
Các triệu chứng điển hình của SXH người dân cần lưu ý để đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.
Giám đốc CDC tỉnh nhấn mạnh: SXH là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên, truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. SXH xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa lũ.
Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh SXH có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn (giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục). Phát hiện sớm bệnh, chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, đặc biệt đối với trẻ nhỏ sẽ hạn chế được các trường hợp sốc SXH… Vì vậy, người dân khi nghi ngờ SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, không tự ý điều trị tại nhà.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tât khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng, như: Chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
|
|
|
|
Nội Hà