Sức khỏe của người lao động (NLĐ) là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, năng suất làm việc và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tạo môi trường lao động an toàn, đảm bảo tốt sức khỏe, đời sống và các chính sách cho NLĐ đang được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm. Theo đó mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn lao động được khám sức khỏe định kỳ và phổ biến kiến thức về tác hại và cách phòng chống bệnh nghề nghiệp.
CDC Quảng Bình quan trắc môi trường lao động tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới.
Bác sĩ Hoàng Ái Nhân, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường – Y tế trường học – Bệnh nghề nghiệp (SKMT – YTTH – BNN) cho biết: Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp, phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến NLĐ. Bệnh xuất hiện do môi trường lao động, làm việc không đảm bảo các quy định về tiếng ồn, bụi, vi sinh vật, phóng xạ, hơi khí độc… hay NLĐ làm việc quá lâu, chế độ và cường độ lao động căng thẳng quá mức.
Hàng năm, các đơn vị, doanh nghiệp chủ động phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm BNN, góp phần bảo vệ sức khỏe cho NLĐ, từ đó tăng năng suất lao động, thúc đẩy đơn vị phát triển.
Bên cạnh công tác khám sức khỏe, theo ghi nhận, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã tổ chức quan trắc môi trường lao động đo các yếu tố ảnh hưởng tới sức khoẻ người lao động cho 9 đơn vị trong đó 7 doanh nghiệp và 2 bệnh viện; tổ chức 3 lớp tập huấn cho 40 người về công tác vệ sinh lao động và sơ cấp cứu ban đầu tai nạn lao động, phòng chống BNN. Tổ chức khám sức khỏe BNN cho 400 người ở nhiều doanh nghiệp.
Ông Trần Công Thân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV ô tô Trường Hải Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi luôn chú trọng đến vấn đề sức khỏe của cán bộ công nhân viên. Hàng năm, công ty đều phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức khám sức khỏe cho cán bộ công nhân viên và tiến hành đo quan trắc môi trường tại công ty. Căn cứ kết quả các đợt khám sức khỏe, công ty đã xem xét bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ cho cán bộ, công nhân viên, thực hiện nghiêm túc công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Đặc biệt đã trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động cá nhân như: quần áo bảo hộ lao động, giày, mũ, khẩu trang, kính, găng tay cho cán bộ nhân viên.
Cùng với việc khám sức khỏe BNN cho các doanh nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức các đợt quan trắc môi trường như: đo các chỉ số vi khí hậu, bức xạ nhiệt, tiếng ồn, bụi, ánh sáng… tại các vị trí làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế...Việc tổ chức đánh giá quan trắc môi trường lao động định kỳ sẽ giúp NLĐ được làm việc trong môi trường bảo đảm an toàn, ngăn chặn những tổn thất về tính mạng, sức khỏe, giúp tăng năng suất, hiệu quả làm việc, chất lượng sản phẩm. Từ đó cũng chính là giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tăng thu nhập và phát triển bền vững. Thông qua kết quả quan trắc có được đơn vị sẽ tư vấn một số nội dung liên quan đến công tác vệ sinh lao động để duy trì và cải thiện điều kiện làm việc nhằm hạn chế tai nạn lao động, BNN và nâng cao sức khỏe cho người lao động tại công ty.
Chị Võ Thị Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Huế - Chi nhánh Quảng Bình chia sẻ: “Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho NLĐ là rất quan trọng, Ban giám đốc công ty rất quan tâm đến vấn đề này. Vì vậy hàng năm công ty đã tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện BNN đình kỳ 6 tháng 1 lần, phát hiện sớm các bệnh liên quan đến môi trường làm việc nhằm nâng cao sức khỏe, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đơn vị phát triển nâng cao đời sống người lao động. Ngoài việc theo dõi, báo cáo tình hình sức khỏe, tai nạn, ốm đau, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám BNN, phòng, chống dịch bệnh, theo dõi và hướng dẫn an toàn vệ sinh thực phẩm nhà ăn; công ty còn tổ chức tập huấn sơ cấp cứu cho NLĐ; cử cán bộ y tế tham gia các lớp tập huấn cấp chứng chỉ chuyên môn y tế lao động, cập nhật hồ sơ vệ sinh môi trường lao động và quản lý sức khỏe, bệnh tật của NLĐ hằng năm.
Hiện tại công ty có xây dựng 1 phòng y tế để trong quá trình làm việc, nếu NLĐ bị ngất, choáng, đau ốm đột xuất sẽ được đưa vào phòng y tế để nhân viên y tế theo dõi, khám, cấp thuốc, nếu bệnh nặng, quá khả năng của nhân viên y tế sẽ được chuyển đến các cơ sở y tế tuyến trên. Bộ phận y tế của công ty còn kiểm tra đôn đốc hướng dẫn việc chấp hành các biện pháp vệ sinh lao động, phối hợp với bộ phận phụ trách bảo hộ lao động quản lý hồ sơ ATVSLĐ của cơ sở. Tổ chức việc giám sát đo đạc môi trường lao động định kỳ 1 năm 1 lần, cung cấp đầy đủ bảo hộ lao động, đề xuất các khuyến nghị và biện pháp cải thiện điều kiện lao động và nâng cao sức khỏe cho NLĐ; thực hiện các thủ tục để giám định tai nạn lao động và BNN cho NLĐ. Quan tâm đến sức khỏe của NLĐ cũng chính là đang quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp. NLĐ có khỏe mạnh thì làm việc mới năng suất, đạt hiệu quả cao, doanh nghiệp mới phát triển đi lên bền vững.
“Để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyềncông tác ATVSLĐ, hướng dẫn, tập huấn cho người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, cách chăm sóc sức khỏe, sử dụng bảo hộ lao động phòng BNN; Đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phàm về ATVSLĐ, chính sách chăm sóc sức khỏe đối với NLĐ. Cùng với đó, các doanh nghiêp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tiếp tục đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến tạo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ; hướng dẫn phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho người lao động... NLĐ cần có kiến thức biết tự bảo vệ sức khỏe của mình và có yêu cầu chính đáng về các chế độ, bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc BNN”, bác sĩ CKII Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nhấn mạnh thêm.
Thành Trung