SKĐS - "Đôi lúc không nghĩ họ là bệnh nhân mà chỉ nghĩ là người chị, người em gặp khó cần sự quan tâm, giúp đỡ. Thấy họ tìm lại được sức khỏe và niềm vui sống khiến chúng tôi càng nỗ lực hơn trong công tác", Bác sĩ Bé chia sẻ.
Theo Ths. BS. Hà Văn Đồng, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, tính đến ngày 15/9, số người nhiễm HIV toàn tỉnh là 487 trường hợp, trong đó tử vong 143, 344 người nhiễm HIV đang còn sống.
Qua số liệu theo dõi nhận thấy, tại Quảng Bình nam giới có tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn nữ giới (nam giới 59,96%, nữ giới 40,04%). Các đường lây truyền, qua quan hệ tình dục chiếm 71,5%, đường máu 11,7%, mẹ sang con 4,3%, không rõ chiếm 12,5%. Hiện có 284 bệnh nhân HIV đang được điều trị ARV.
BS. Đồng chia sẻ, đối với bệnh nhân HIV, hoạt động điều trị ARV rất quan trọng cho sức khỏe bệnh nhân và công tác phòng, chống loại bệnh này. ARV là thuốc kháng HIV (Antiretroviral drug), ARV ức chế sự nhân lên của vius, duy trì nồng độ virus trong máu ở mức thấp nhất có thể. Hầu hết người nhiễm HIV đang điều trị ARV vẫn khỏe mạnh, lao động, học tập, có gia đình hạnh phúc…
Để người bệnh tin tưởng vào các phương án điều trị và an tâm điều trị trong thời gian dài, ngoài sự tư vấn, chia sẻ của cán bộ y tế còn có sự quan tâm của các đơn vị liên quan.
Cán bộ y tế san sẻ từng chuyện buồn vui với bệnh nhân HIV/AIDS
Với những bệnh nhân HIV/AIDS, điều đầu tiên khi biết bản thân mắc bệnh thường là sự hoảng loạn, sợ bị kỳ thị. Khi tiếp cận bệnh nhân, cán bộ y tế cùng chia sẻ tâm tư để tâm lý bệnh nhân dần ổn định. Sau đó tư vấn phương án điều trị để đảm bảo chất lượng cuộc sống, thời gian sống cho bệnh nhân.
Cán bộ y tế tư vấn, khám, điều trị cho người nhiễm HIV.
"Bệnh nhân HIV/AIDS khi biết bệnh họ thường rất lo lắng, sợ hãi và mất động lực sống. Họ sợ bị xã hội phát hiện và dần xa lánh nên rất ngại việc đến đơn vị để điều trị lâu dài. Biết được diễn biến tâm lý của bệnh nhân, khoa có các nhân viên tư vấn để bệnh nhân hiều rồi trong quá trình điều trị bác sĩ cũng là nơi chia sẻ những tâm tư của bênh nhân", BS. Đồng chia sẻ.
Đối với nhiều loại bệnh khác, bệnh nhân sẽ chủ động tìm đến bác sĩ. Nhưng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, vì những sự kì thị, lo lắng về "căn bệnh thế kỷ" nên bác sĩ đôi lúc phải đi tìm bệnh nhân để tư vấn, điều trị.
"Những người bị nhiễm HIV thường sợ bị kì thị nên họ lẩn tránh và có thể thay đổi nơi cư trú. Việc tiếp cận khó đồng nghĩa với việc phát hiện, điều trị cho người nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng thực hiện nhiều biện pháp để sàng lọc và vận động bệnh nhân HIV tham gia điều trị", Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, CDC Quảng Bình chia sẻ.
Cán bộ CDC Quảng Bình thực hiện công tác lấy mẫu sàng lọc HIV/AIDS trong cộng đồng.
Là người đồng hành cùng những bệnh nhân HIV trong nhiều năm qua, BS. Dương Thị Bé, Phó trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất CDC Quảng Bình, ngoài việc tư vấn điều trị bệnh còn là người bạn, người chị em để các bệnh nhân dãi bày tâm sự.
Không chỉ dành thời gian tư vấn xét nghiệm, tư vấn điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân, BS. Bé còn quan tâm đến đời sống của bệnh nhân, giúp họ tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống. Nhận được sự sẻ chia, quan tâm giúp những bệnh nhân HIV có động lực điều trị lâu dài. Dần dần, những bác sĩ điều trị xem những người nhiễm HIV như người bạn, người thân.
Quá trình "đồng hành" cùng những bệnh nhân HIV, BS. Bé và đồng nghiệp đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Từ những người hoang mang tuyệt vọng được chia sẻ và tư vấn điều trị, nhiều bệnh nhân HIV dần cải thiện được sức khỏe, tham gia lao động và trở thành người có ích cho xã hội.
"Đồng hành cùng họ trong thời gian dài, nghe họ tâm sự, chia sẻ chuyện vui buồn cuộc sống, chúng tôi càng thương và muốn giúp họ nhiều hơn. Đôi lúc không nghĩ họ là bệnh nhân mà chỉ nghĩ là người chị, người em gặp khó cần sự quan tâm, giúp đỡ. Thấy họ tìm lại được sức khỏe và niềm vui sống khiến chúng tôi càng nỗ lực hơn trong công tác", BS. Bé chia sẻ.
Bảo hiểm y tế giúp bệnh nhân HIV an tâm điều trị lâu dài
Theo BS. Bé, điều trị HIV là một quá trình lâu dài với thời gian, kinh tế và sự nỗ lực của bệnh nhân. Trong nhiều năm qua, công tác điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế.
Hiện nay, nguồn thuốc ARV viện trợ đã bị cắt giảm, đặc biệt là nguồn thuốc của PEPFAR, nếu bệnh nhân không tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) thực sự sẽ là một gánh nặng về chi phí điều trị.