- P.V: Thưa ông, tại sao năm 2024 Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS-Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”?
- Ông Nguyễn Anh Đông: Năm 2024, chủ đề được Chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) lựa chọn cho Ngày Thế giới phòng, chống AIDS là “take the Right Path”, có thể hiểu là “Đảm bảo nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”.
Theo đó, UNAIDS nhấn mạnh: Lấy nhân quyền làm trung tâm, kết hợp sự tham gia của cộng đồng, thế giới có thể chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Theo đó, Việt Nam chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 là: “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS-Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Chủ đề này có ý nghĩa quan trọng thể hiện cam kết giải quyết những vấn đề bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS mà còn là bước đi cần thiết để bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.
- P.V: Ông có thể cho biết về những kết quả nổi bật trong phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 tại Quảng Bình?
- Ông Nguyễn Anh Đông: Trong năm 2024, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước hết là hoạt động truyền thông và huy động cộng đồng: Được chú trọng cả chiều rộng lẫn chiều sâu, từ thành thị đến nông thôn, miền núi; tập trung đưa giáo dục truyền thông về tận cơ sở xã, phường, thôn bản bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú phù hợp với từng nhóm đối tượng dân cư. Trong đó, chú trọng tư vấn phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao.
Cùng đó, các hoạt động can thiệp giảm tác hại được duy trì hiệu quả, ngành Y tế phối hợp cùng với lực lượng Công an tuyên truyền vận động các đối tượng nghiện ma túy tiếp cận chương trình điều trị thay thế bằng methadone; tổ chức được các lớp tập huấn cho cán bộ về công tác xác định tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành Y tế duy trì và tổ chức hoạt động hiệu quả các cơ sở điều trị methadone với tổng số bệnh nhân đang điều trị thường xuyên là 114 người; cấp phát bao cao su miễn phí cho các đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mại dâm, nghiện ma túy, nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM), dân di biến động…).
CDC tỉnh tăng cường lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng.
Đặc biệt, Quảng Bình là một trong những địa phương triển khai tốt các hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế, trại giam, trại tạm giam và cộng đồng. Trong năm, CDC tỉnh tăng cường lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV mới, điều trị kịp thời và thực hiện các giải pháp giảm sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, đã xét nghiệm 12.669 trường hợp, phát hiện 13 trường hợp dương tính với HIV, giảm 3 trường hợp so với năm 2023-đây là kết quả khả quan trong lộ trình giảm người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh để Quảng Bình tin tưởng, quyết tâm cùng tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
- P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Vậy, ông có thể chia sẻ về những khó khăn và thách thức hiện tại của tỉnh ta?
- Ông Nguyễn Anh Đông: HIV/AIDS đã giảm, nhưng chưa bảo đảm tính bền vững, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát dịch nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.
Đáng chú ý, các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV ngày càng phức tạp, đan xen giữa nhóm nghiện ma túy, nhóm bán dâm, nhóm MSM... Độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn rất hạn chế. Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tuy đã giảm, nhưng vẫn còn phổ biến, khiến những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV không dám tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Người nghiện ma túy kiên trì điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone tại CDC tỉnh.
Cùng với đó, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp khó khăn, Quảng Bình không có dự án nào tài trợ cho chương trình này, trong khi kinh phí của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là kinh phí cho các hoạt động dự phòng, truyền thông, theo dõi giám sát và xét nghiệm HIV.
Ngoài ra, cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến huyện, xã thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến đội ngũ nhân lực chuyên môn cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.
- P.V: Để hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Quảng Bình sẽ làm gì trong thời gian tới thưa ông?
- Ông Nguyễn Anh Đông: Công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm tác hại, bao gồm thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, các hoạt động chống kỳ thị phân biệt đối xử tại cộng đồng, gia đình và các cơ sở y tế; duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone; điều trị trước phơi nhiễm HIV (PrEP); mở rộng cấp bao cao su cho các đối tượng nguy cơ cao.
Đồng thời, tập trung xét nghiệm HIV ở các khu vực trọng điểm và các nhóm nguy cơ cao, phát hiện nhiễm mới HIV, kịp thời tư vấn, kết nối điều trị ARV để tăng tuân thủ và hiệu quả điều trị; bảo đảm trên 95% bệnh nhân điều trị ARV đạt ngưỡng tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế; tăng cường điều trị đồng nhiễm HIV với lao, viêm gan… hướng đến loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Để đạt được những mục tiêu đề ra rất cần sự vào cuộc, quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của nhân dân.
- P.V: Xin cảm ơn ông!
Hiện tại, Quảng Bình đã phát hiện 510 người nhiễm HIV/AIDS (trong đó: Tử vong 152 người, 358 người nhiễm HIV đang còn sống); 8/8 huyện, thị xã, thành phố, 132/151 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV; nam giới có tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn nữ giới (nam 60,8%, nữ 39,2%); đường lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục (70%), đường máu (11,4%), mẹ sang con (4,1%), không rõ chiếm (14,5%); có 281 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị và 100% bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. |
Nội Hà (thực hiện)