Bệnh sởi là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh và có thể diễn biến nặng dẫn tới tử vong. Thời gian gần đây, tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp với số ca mắc bệnh gia tăng tại Quảng Bình và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhằm bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn, ngành Y tế Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Tiêm chủng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống bệnh sởi
Bệnh sởi lây theo đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh, một ca bệnh sởi có thể lây lan cho nhiều người. Bệnh không chỉ phổ biến ở trẻ nhỏ mà còn ghi nhận nhiều ca mắc ngay cả ở người trưởng thành, nhất là những người có bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi. Các trường hợp mắc bệnh hầu hết đều chưa được tiêm hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vắc-xin sởi, bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, ho, sổ mũi, viêm kết mạc, phát ban…có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... có thể gây tử vong, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 625 ca sốt phát ban nghi mắc sởi, 212 ca dương tính với sởi, các cơ sở điều trị đã chủ động dự phòng chuẩn bị việc thu dung, điều trị bệnh nhân, thực hiện phân tuyến điều trị theo quy định; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để đáp ứng khi có dịch xảy ra.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh sởi, ngành Y tế Quảng Bình đã tăng cường giám sát thường xuyên để phát hiện sớm ca nghi mắc và mắc bệnh sởi trong cộng đồng, trường học, tại các cơ sở y tế…để xử lý kịp thời kiểm soát sự lây lan thành dịch, hạn chế các trường hợp chuyển nặng và tử vong; thực hiện quản lý, điều tra ca bệnh và xử lý theo quy định, không để lây lan ra cộng đồng. Các đơn vị y tế cơ sở cũng chủ động phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, tại các trường học về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng bệnh như: thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; tăng cường rèn luyện thể dục; có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng của cơ thể. Đối với trường học, nơi tập trung đông trẻ cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học. Các phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc - xin phòng bệnh cho trẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, tránh để lây lan rộng.
Cô Nguyễn Thị Lương, Hiệu trưởng Trường mầm non Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: “Để thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sởi, nhà trường thường xuyên chú ý đến công tác vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học, lớp học sạch sẽ thoáng mát, được giáo viên hướng dẫn thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Nhà trường tiếp tục phối hợp với trạm y tế để tuyên truyền cho phụ huynh bằng nhiều hình thức khác nhau qua các cuộc họp phụ huynh, qua loa phát thanh của thôn, xóm, giáo viên lập nhóm Zalo, Facebook liên hệ với phụ huynh để tuyên truyền đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đúng lịch và đủ liều”.
Cán bộ y tế tuyền truyền các biện pháp phòng bệnh và tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin sởi cho trẻ.
Hiện nay không có thuốc đặc trị cho bệnh sởi, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và giảm triệu chứng, phương pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả cao là tiêm vắc xin. Nhiều năm nay, vắc xin sởi được tiêm miễn phí cho trẻ em trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế Quảng Bình đã triển khai 2 đợt Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, để đảm bảo công tác tiêm chủng hiệu quả, đúng tiến độ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế rà soát đối tượng, đề xuất nhu cầu vắc xin, các trạm y tế đã thông báo rộng rãi đến từng hộ gia đình về thời gian, địa điểm tiêm để người dân chủ động trong việc đưa con em mình đến tiêm chủng đầy đủ, đúng quy định. Bên cạnh đó, các điểm tiêm còn thực hiện tốt việc kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc trước tiêm để đảm bảo an toàn khi tiêm và theo dõi sau khi tiêm chủng.
Chị Hoàng Thị Trang, thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (Bố Trạch) cho biết: “Qua các kênh truyền thông và đặc biệt là tuyên truyền của trạm y tế xã, tôi đã nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh sởi nên đã đưa con của mình đi tiêm phòng bệnh sởi đúng lịch và đầy đủ liều”.
Các đợt chiến dịch đã được triển khai thực hiện đồng loạt tại tất cả 8 huyện thị xã, thành phố, với các điểm tiêm linh hoạt tại các trạm y tế và trường học của các xã, phường, thị trấn. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 23.441 đối tượng được tiêm vắc xin có thành phần sởi. Trong đó, có 2.444 trẻ 6-9 tháng tuổi; 8.783 trẻ 1-5 tuổi; 6.725 trẻ 6-10 tuổi; 5.228 em từ 11- 15 tuổi. Ngành Y tế cũng đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm, nhất là ở những địa phương tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, qua đó tăng độ bao phủ, miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi trên địa bàn.
Bác sĩ CKII Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo: “Đối với các trường hợp trẻ nghi ngờ mắc sởi, có các triệu chứng như: Sốt, phát ban, kèm theo dấu hiệu viêm đường hô hấp trên thì phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý điều trị ở nhà dẫn đến tình trạng diễn biến nặng, có thể dẫn đến tử vong hoặc các biến chứng như: Viêm não, viêm phổi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng…Người dân cần tuân thủ các hướng dẫn về công tác phòng chống bệnh sởi của ngành Y tế và đặc biệt cần quan tâm đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng kể cả tiêm chủng thường xuyên và nhất là các chiến dịch tiêm chủng”.
Mai An