Sidebar Menu

(QBĐT) - Số ca tử vong do bệnh dại trong 3 tháng đầu năm 2024 cả nước tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Hiện đã có 16/63 tỉnh thành ghi nhận ca bệnh dại trên người, trong đó khu vực miền Trung và Tây Nguyên ghi nhận số ca bệnh dại tử vong gia tăng đột biến. Tại Quảng Bình cũng đã ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại và số người bị chó, mèo cắn phải tiêm vắc xin phòng dại tăng đột biến từ Tết Nguyên đán đến nay. Vì vậy, nguy cơ thiếu vắc xin phòng dại đang hiện hữu, nếu không được bổ sung kịp thời sẽ rất khó khăn cho công tác điều trị dự phòng bệnh dại trên người.

 
Tỷ lệ tử vong 100% khi phát bệnh
 
Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất. Từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, số người tử vong do bệnh dại liên tục tăng. Cả nước đã ghi nhận 27 ca tử vong do bệnh dại trên người, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
 
Trong đó khu vực miền Trung-Tây Nguyên ghi nhận số ca bệnh dại tử vong gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước (13 ca). 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vắc-xin phòng dại hoặc tiêm muộn khi bị chó, mèo cắn, cào xước.
 
 
Cán bộ y tế tư vấn tiêm vắc xin dự phòng sau phơi nhiễm với vi rút dại cho bệnh nhân bị chó súc vật nghi dại cắnjpgCán bộ y tế tư vấn tiêm vắc-xin dự phòng sau phơi nhiễm với vi rút dại cho bệnh nhân bị chó (súc vật nghi dại) cắn.
 
 
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây từ động vật sang người qua vết cắn, cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ở nước ta, nguồn truyền bệnh dại chủ yếu là chó và mèo (chó là ổ chứa vi rút dại chiếm 96-97%, mèo chiếm 3-4%).
 
Thông thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, hoặc có thể dài trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng vi rút dại xâm nhập vào cơ thể qua vết thương nhẹ hay nặng và khoảng cách từ vết thương đến não bộ. Nếu vết thương nặng, gần thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh ngắn và ngắn nhất khi vết cắn ở đầu, mặt, tay và đặc biệt là đối với trẻ em.
 
Thời gian gần đây đã ghi nhận một số ca có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
 
Các chuyên gia y tế khẳng định: Khi đã phát bệnh lên cơn dại, kể cả động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như 100%.
 
Nguy cơ thiếu vắc-xin phòng dại
 
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đỗ Quốc Tiệp, thường thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại là mùa hè, tập trung vào các tháng 8-9 trong năm; nhưng năm nay lại gia tăng đột biến vào các tháng đầu năm. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tại Quảng Bình, trường hợp người dân bị chó, mèo cắn phải tiêm huyết thanh kháng dại (HTKD) và vắc-xin phòng dại tăng đột biến.
 
Chỉ trong tháng 1 và tháng 2, toàn tỉnh có hơn 650 lượt bệnh nhân đến các cơ sở y tế trên địa bàn tiêm HTKD và vắc-xin phòng dại (trong đó, có hơn 180 trẻ em dưới 15 tuổi). Bố Trạch và Ba Đồn là 2 địa phương có số lượt người phải tiêm HTKD và vắc-xin phòng dại nhiều nhất.
 
 
Vắc xin dại thế hệ mới hiện nay rất an toàn có thể tiêm cho cả phụ nữ có thai và trẻ em ở mọi lứa tuổijpgVắc-xin dại thế hệ mới hiện nay rất an toàn, có thể tiêm cho cả phụ nữ có thai và trẻ em ở mọi lứa tuổi.
 
 
Tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cử nhân điều dưỡng Trần Thị Bình cho biết, 3 tháng đầu năm nay, số lượng người đến tiêm vắc-xin phòng dại tăng đột biến, hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 29/3, phòng tiêm đã thực hiện tiêm HTKD và vắc-xin phòng dại cho trên 150 người với gần 500 mũi tiêm, trong đó, trẻ em dưới 15 tuổi có 45 cháu.
 
Tại đây, khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại, HTKD tùy theo vị trí, tình trạng vết cắn nặng nhẹ và tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng... “Theo quy định của Bộ Y tế, phác đồ điều trị dự phòng bệnh dại phải tiêm đủ 5 mũi vắc-xin vào đúng 5 ngày (0-3-7-14-28) mới phát huy hiệu quả phòng bệnh”, điều dưỡng Bình trao đổi.
 
Tuy nhiên, do 3 tháng đầu năm gia tăng đột biến các trường hợp chó, mèo cắn phải tiêm vắc-xin phòng dại, nên đến thời điểm này, tại 1 số trung tâm y tế tuyến huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang cạn nguồn vắc-xin phòng dại. Riêng Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy từ giữa tháng 3 đã không còn vắc-xin phòng dại để tiêm cho người dân khi bị chó, mèo (súc vật nghi dại) cắn.
 
“Cuối năm 2023, đơn vị lên kế hoạch mua vắc-xin phòng dại cho năm 2024 và trúng 2 gói thầu với 1.000 lọ vắc-xin, nhưng trong 3 tháng đầu năm đã sử dụng gần hết; từ ngày 22/3 đến nay không đủ tiêm cho bệnh nhân mới, còn ít vắc-xin chỉ dùng để trả mũi cho những bệnh nhân cao tuổi, ở địa bàn xa. Trước áp lực tiêm vắc-xin phòng dại của bệnh nhân tiếp tục gia tăng, đơn vị đã chủ động mua thêm 20% gói thầu 1 theo quy định (100 lọ). Tuy nhiên, số vắc-xin này cũng chỉ đủ để ưu tiên trả mũi và tiêm cho trẻ em và người già trong thời gian trước mắt. Hiện, các đơn vị của ngành Y tế đang chờ thông tư hướng dẫn mới tiến hành đấu thầu vắc-xin năm 2024. Trong khoảng thời gian này, nếu số lượng người dân bị chó, mèo cắn không giảm thì sẽ gặp khó khăn trong điều trị dự phòng bệnh dại”, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết.
 
 
Chủ động phòng ngừa

Các_gia_đình_hạn_chế_cho_trẻ_nhỏ_chơi_đùa_với_chó_mèo_và_hướng_dẫn_trẻ_cách_phòng_tránh_chó_mèo_cắn_và_thông_báo_ngay_cho_ba_mẹ_khi_bị_chó_mèo_cào_cắn.jpg Các gia đình hạn chế cho trẻ nhỏ chơi đùa với chó, mèo và hướng dẫn trẻ cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho ba, mẹ khi bị chó, mèo cào, cắn
 
 
Ngành Y tế nhận định: Nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại còn hạn chế dẫn đến chủ quan, lơ là trong điều trị sau khi bị chó, mèo cắn. Công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế, nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông chó, mèo dẫn đến tăng nguy cơ tấn công con người.
 
Mới đây nhất, trường hợp bé gái 5 tuổi ở huyện Lệ Thủy bị chó hàng xóm cắn vào vùng mặt phải khâu gần 50 mũi là hồi chuông cảnh báo với tất cả mọi người và cả cộng đồng cần chung tay mạnh mẽ hơn nữa trong phòng, chống bệnh dại, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhiều người. Đặc biệt là trẻ nhỏ; phải tuyên truyền, hướng dẫn cho các em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ sau khi bị chó, mèo cào, cắn.
 
Bố Trạch là địa phương ghi nhận 1 ca tử vong do dại và có số người tiêm vắc-xin phòng dại cao nhất trong tỉnh kể từ đầu năm đến nay. Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật-Tư vấn điều trị nghiện chất (Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch) Đỗ Xuân Tính cho biết: Do số người bị chó, mèo cắn gia tăng, nhất là tại khu vực thị trấn Phong Nha và các xã vùng Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch, đơn vị đã chỉ đạo trạm y tế các xã tăng cường công tác chủ động giám sát các trường hợp người tiếp xúc với động vật mắc bệnh dại hoặc nghi dại trên địa bàn để kịp thời phát hiện, vận động các trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm với vi rút dại đến các cơ sở y tế tiêm vắc-xin, HTKD để dự phòng sau phơi nhiễm.
 
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông trong cộng đồng về bệnh dại và dự phòng sau phơi nhiễm với vi rút dại; phối hợp với ngành thú y trong việc quản lý và tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn.
 
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Hiện, bệnh dại không có thuốc điều trị đặc hiệu, khi bệnh nhân được xác định mắc bệnh dại thì tỷ lệ tử vong 100%. Do đó, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh dại, người dân khi bị chó, mèo cào cắn cần nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Dùng dung dịch i-ốt hoặc cồn 70 độ sát khuẩn lên vết thương, hạn chế làm dập vết thương, không khâu và băng kín vết thương. Sau đó đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại càng sớm càng tốt.
Nội Hà