Hiện nay, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 3 chống dịch COVID-19. Đây là giai đoạn với nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao. Những vấn đề liên quan đến xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 được giới chuyên môn cũng như nhân dân rất quan tâm, nhất là việc xét nghiệm để xác định ca bệnh, chẩn đoán, điều trị, dự phòng sự lây lan của virus.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Trưởng Bộ môn Vi sinh, Bộ môn Vi sinh-Ký sinh trùng lâm sàng, Đại học Y Hà Nội đã có những chia sẻ về những vấn đề liên quan đến xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Trung: SARS-CoV-2 là một virus mới, chúng ta chưa có nhiều thông tin để phát triển, tối ưu các kỹ thuật xét nghiệm, phương pháp chẩn đoán, điều trị và dự phòng. Hiện có 2 nhóm kỹ thuật xét nghiệm chủ yếu để phát hiện virus SARS-CoV-2, trong đó một loại phát hiện thông qua vật liệu di truyền (acid nucleic-ARN) của virus, một loại phát hiện đáp ứng miễn dịch với virus này.
Hầu hết các kỹ thuật phát hiện vật liệu di truyền của virus là kỹ thuật sinh học phân tử dựa vào nguyên lý khuếch đại gen (acid nucleic-ARN) của SARS-CoV-2. Kỹ thuật thường dùng nhất là PCR (Polymerase Chain Reaction-Phản ứng chuỗi trùng hợp). Các kỹ thuật này phát hiện sự có mặt của ARN virus trong mẫu bệnh phẩm từ người bệnh/hoặc người nghi ngờ nhiễm virus. Loại bệnh phẩm thường dùng nhất là dịch ở họng mũi (tỵ hầu) và họng miệng (khẩu hầu). Người ta dùng dụng cụ chuyên dụng đưa vào mũi với độ sâu nhất định để lấy dịch tỵ hầu và họng miệng của bệnh nhân để lấy dịch ở đây.
Theo khuyến cáo, để phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR nên lấy cả hai loại bệnh phẩm này. Tuy nhiên, khả năng phát hiện virus ở dịch họng mũi cao hơn ở dịch họng miệng... Với bệnh nhân bị viêm phổi, ngoài hai loại dịch kể trên, một số loại dịch tiết ở đường hô hấp dưới như đờm, dịch rửa phế quản… cũng có thể được dùng để xét nghiệm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Trung lưu ý rằng, khả năng cũng như tỷ lệ phát hiện SARS-CoV-2 ở từng loại bệnh phẩm, từng lần lấy bệnh phẩm sẽ khác nhau ngay cả ở cùng một người và khác nhau giữa người này với người khác. Đặc biệt, khả năng phát hiện được virus cũng thay đổi qua các giai đoạn của bệnh. Một số bệnh nhân bị viêm phổi có thể có kết quả phát hiện virus ở dịch họng mũi, họng miệng âm tính nhưng có thể có kết quả dương tính với xét nghiệm dịch ở đường hô hấp dưới hoặc bệnh phẩm khác như phân chẳng hạn.
Kết quả của một xét nghiệm âm tính không có nghĩa là nghĩa là người đó không bị nhiễm virus. Nếu một kết quả xét nghiệm cho kết quả dương tính cũng phải xem xét khả năng dương tính giả. Do vậy, việc phối hợp xét nghiệm với đánh giá các yếu tố trên lâm sàng cũng như tiền sử dịch tễ là rất quan trọng. Việc phát hiện ARN của SARS-CoV-2 từ bệnh phẩm là kỹ thuật tốt nhất cho tới nay để xác định người nhiễm virus.
Xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 cho người dân tại trạm xét nghiệm nhanh huyện Thanh Oai. Ảnh: TTXVN phát
Với các kỹ thuật xét nghiệm nói chung, đặc biệt là các kĩ thuật chẩn đoán SARS-CoV-2 vẫn còn có nhiều câu hỏi, thách thức, những vấn đề chưa được thống nhất. Điều này cũng là bình thường vì đây là một virus mới, các nhà khoa học cần có thời gian để nghiên cứu, tăng cường hiểu biết để ngày càng cải tiến, hoàn thiện các kỹ thuật nhằm tăng độ nhạy, độ đặc hiệu cũng như giá trị của xét nghiệm.
Bên cạnh các xét nghiệm sinh học phân tử phát hiện ARN của SARS-CoV-2, các loại kỹ thuật xét nghiệm khác như phát hiện IgM, IgA, IgG hoặc kháng thể tổng số trong máu (có thể gọi là xét nghệm huyết thanh học) được nhiều nhà khoa học và các công ty nghiên cứu, phát triển. Đối với các bệnh lý nhiễm trùng nói chung và nhiễm virus SARS-CoV-2 nói riêng, sự hình thành kháng thể phụ thuộc thời gian nhiễm bệnh và vật chủ (người).
Trong trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, một số nghiên cứu cho thấy, phần lớn bệnh nhân chuyển đổi huyết thanh (có sự xuất hiện kháng thể trong máu) trong khoảng thời gian từ 7-11 ngày sau khi nhiễm virus, mặc dù trong thực tế, một số bệnh nhân có thể có kháng thể sớm hơn. Do sự đáp ứng muộn (tự nhiên) này, kỹ thuật xét nghiệm phát hiện kháng thể không hữu ích trong bối cảnh bệnh lý cấp tính. Các nghiên cứu cũng không xác định chắc chắn rằng, liệu những người nhiễm SARS-CoV-2 sau khi phục hồi, kháng thể được hình thành sẽ có tác dụng bảo vệ hoàn toàn hay một phần nếu bị nhiễm trong tương lai hoặc khả năng miễn dịch bảo vệ có thể kéo dài bao lâu...
Các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 có thể dùng để điều tra nguồn lây nhiễm; giám sát huyết thanh học ở địa phương, khu vực và quốc gia; nhận dạng những người đã nhiễm virus và do đó có thể có miễn dịch bảo vệ. Thông tin về huyết thanh học có thể được sử dụng để đánh giá người bệnh trong giai đoạn phục hồi...
Theo TTXVN/Báo Tin tức