Sidebar Menu

(QBĐT) - Qua công tác kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh lao động (VSLĐ) và phòng, chống bệnh nghề nghiệp (BNN) trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc thực hiện công tác này của các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SX, KD) chủ yếu mang tính đối phó khi có đoàn kiểm tra, giám sát.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động (NLĐ), khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng, chống bệnh tật và BNN cho NLĐ, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, ngày 5/8/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1365/KH-UBND về chăm sóc và nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng, chống BNN giai đoạn 2020-2030, với các mục tiêu cụ thể, gồm: Quản lý cơ sở lao động có yếu tố có hại gây BNN (quản lý được 50% số cơ sở lao động vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030); kiểm tra công tác quan trắc môi trường lao động (kiểm tra 30% cơ sở lao động có yếu tố có hại gây BNN vào năm 2025 và 50% vào năm 2030); 100% cơ sở lao động có sử dụng amiăng được giám sát, quan trắc môi trường lao động theo quy định vào năm 2025.

Đến năm 2025, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NLĐ không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở; 100% cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng, chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động; 50% NLĐ tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc BNN được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng, chống và được khám phát hiện sớm BNN vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030; 100% NLĐ tiếp xúc với amiăng được quản lý sức khỏe, khám BNN; 100% cơ sở lao động có sử dụng amiăng được giám sát, quan trắc môi trường lao động theo quy định; 100% người bị tai nạn lao động (TNLĐ), BNN được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng.

Đến năm 2030, 100% NLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ đối với lao động nữ.

cong_nhan_may_kham_suc_khao_bai_Nghe_nghiep.jpg
Công nhân ngành dệt may tại Quảng Bình được quan tâm khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nguyễn Ngọc Ánh cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác VSLĐ và phòng, chống BNN trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá sự tuân thủ pháp luật về VSLĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ, phòng, chống BNN của người sử dụng lao động và NLĐ.

Trong năm 2024, CDC tỉnh đã phối hợp tiến hành kiểm tra, giám sát công tác VSLĐ và phòng, chống BNN tại 41 đơn vị, cơ sở SX, KD trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các doanh nghiệp được kiểm tra đều có đặc điểm SX, KD thuộc nhóm ngành, nghề dễ xảy ra TNLĐ, cháy nổ, có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phát sinh BNN; sử dụng một số máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; sử dụng lao động vào các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, VSLĐ và làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...

Đoàn công tác đã tập trung kiểm tra, giám sát việc triển khai các nội dung quản lý VSLĐ và sức khỏe NLĐ, lập hồ sơ VSLĐ và quan trắc môi trường lao động; qua đó, kịp thời chỉ ra các sai sót, hạn chế để hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, cơ sở SX, KD thực hiện các quy định của pháp luật về VSLĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ và phòng, chống BNN.

Đối phó khi có đoàn kiểm tra, giám sát

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, qua quá trình kiểm tra, giám sát tại 33 cơ sở SX, KD trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc thực hiện công tác VSLĐ của các cơ sở SX, KD chủ yếu mang tính đối phó khi có đoàn kiểm tra, giám sát. Việc lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động hiện nay do các cơ sở SX, KD tự lập, nhiều cơ sở đã được cơ quan y tế hướng dẫn nhưng vẫn không thực hiện.

Cụ thể, có 11/33 cơ sở xây dựng kế hoạch công tác VSLĐ và phòng, chống BNN; 10/33 cơ sở xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; 17/33 cơ sở thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ (với 507/916 NLĐ được khám); 21/33 cơ sở không thực hiện khám BNN cho NLĐ làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 15/33 cơ sở lập hồ sơ VSLĐ và chỉ có 8 cơ sở thực hiện quan trắc môi trường lao động.

Trong 33 cơ sở được kiểm tra, giám sát có 5 cơ sở có người làm công tác y tế và 1 cơ sở có hợp đồng khám, chữa bệnh với trạm y tế xã trên địa bàn; 6/33 cơ sở thực hiện tập huấn sơ cấp cứu ban đầu cho NLĐ để ứng phó trong trường hợp có TNLĐ xảy ra (với 128/442 NLĐ được tập huấn); 15/33 cơ sở trang bị túi sơ cấp cứu và 16/33 cơ sở trang bị tủ thuốc y tế; 7/33 cơ sở không thực hiện công tác sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc. Tại thời điểm kiểm tra, giám sát đã xảy ra 2 trường hợp TNLĐ; trong đó, 1 trường hợp được điều trị lành và 1 trường hợp điều trị lành nhưng để lại di chứng.

 

CDC_tỉnh_thực_hiện_quan_trắc_môi_trường_lao_động_tại_Công_ty_TNHH_Chăn_nuôi_Hòa_Phát_ngơ_lơ.jpg
CDC tỉnh thực hiện quan trắc môi trường lao động tại Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát.
 

Đặc biệt, qua công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện nhiều cơ sở hàng năm không xây dựng kế hoạch VSLĐ, không thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên và không thành lập hội đồng an toàn, VSLĐ cơ sở; chưa thực hiện khám, bố trí việc làm và khám phát hiện BNN cũng như khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; chưa quan tâm thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, VSLĐ và lao động làm việc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm; chưa thực hiện quan trắc môi trường lao động tại nơi làm việc, vì vậy không bảo đảm cải thiện yếu tố môi trường làm việc, phòng, chống BNN, phòng tránh các yếu tố có hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ; còn trốn tránh khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ hoặc khám tại các phòng khám tư nhân chưa bảo đảm chất lượng nên không phát hiện được BNN.

Phần lớn các cơ sở được kiểm tra, giám sát còn chưa cập nhật kịp thời các quy định mới của Luật An toàn, VSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành, vì vậy, trong quá trình thực hiện còn áp dụng các quy định cũ hoặc chưa triển khai thực hiện; không báo cáo công tác VSLĐ và báo cáo tình hình TNLĐ định kỳ 6 tháng, 1 năm theo quy định.

“Ngành Y tế chỉ kiểm tra, nhắc nhở, không có chức năng thanh tra xử phạt về lĩnh vực VSLĐ; trong khi đó công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành còn mỏng, việc xử phạt các cơ sở SX, KD vi phạm chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là vi phạm công tác VSLĐ và phòng, chống BNN nên tình trạng chưa chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa BNN còn khá phổ biến. Vì vậy, thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đối với công tác VSLĐ và phòng, chống BNN; đồng thời chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra TNLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp nhằm kịp thời chấn chỉnh vi phạm và xử phạt nghiêm minh, đúng pháp luật để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của NLĐ”, Phó Giám đốc CDC tỉnh Nguyễn Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Ngày 16/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1921/KH-UBND về việc thực hiện Kế hoạch số163-KH/TU, ngày 28/5/2024 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, VSLĐ. Kế hoạch nêu rõ: Phấn đấu giảm TNLĐ, nhất là TNLĐ nghiêm trọng, tỷ lệ TNLĐ chết người giảm ít nhất 4%/năm; số NLĐ làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện BNN tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.
 
 
Nội Hà