Sidebar Menu

(QBĐT) - Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao và bệnh lao kháng đa thuốc đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh và gánh nặng bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Quảng Bình là tỉnh có tình hình dịch tễ mắc lao ở mức trung bình cao so với toàn quốc và ở mức cao trong khu vực miền Trung. Để góp phần đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, Quảng Bình còn rất nhiều khó khăn, thách thức… Vì vậy, cùng với ngành Y tế, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng người dân trong tỉnh.

Khoảng 40% người mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện

Theo số liệu thống kê từ ngành Y tế, năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, toàn tỉnh phát hiện và thu nhận 638 bệnh nhân lao các thể, đạt 85% kế hoạch, giảm 23,96% so với cùng kỳ. Năm 2022, đã phát hiện và đưa vào điều trị 807 bệnh nhân lao các thể, tương đương 89,46 ca/100.000 dân. Năm 2023, phát hiện và đưa vào điều trị 940 bệnh nhân lao các thể, tương đương 102 ca/100.000 dân, trong khi dịch tễ khoảng 172 ca/100.000 dân; ước tính toàn tỉnh chỉ mới phát hiện được khoảng 60% số bệnh nhân lao trong cộng đồng, đây là một mối nguy cơ, ảnh hưởng đến mục tiêu về chấm dứt bệnh lao.

images780996_DSC07654.jpg
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường khám, phát hiện chủ động bệnh lao cho người dân trong tỉnh.

Những năm qua, với sự nỗ lực của ngành Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh là đầu mối triển khai các hoạt động của Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) tại Quảng Bình, hoạt động khám, chữa bệnh lao được thực hiện tích cực. Trong đó, tập trung khám phát hiện, quản lý điều trị bệnh nhân lao, lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao HIV, lao trong trại giam và các cơ sở bảo trợ xã hội...

Đồng thời, triển khai các hoạt động của CTCLQG, như: Khám phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn cho các đối tượng nguy cơ cao trong cộng đồng, bệnh lao tại các xã biên giới, miền núi vùng sâu, vùng xa. Riêng trong năm 2023, CDC tỉnh đã khám sàng lọc, chụp X-quang phổi cho khoảng 18.000 người tại các địa bàn trong tỉnh và phát hiện nhiều bệnh nhân lao mới trong cộng đồng. Đặc biệt, Quảng Bình là tỉnh có tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân lao đạt cao: Năm 2021, đạt 92%; năm 2022, đạt 93% và năm 2023, đạt 92%.

Khó khăn trong công tác phòng, chống lao

Giám đốc CDC tỉnh Đỗ Quốc Tiệp cho biết: Quảng Bình là 1 trong 12 tỉnh trong cả nước chưa có Bệnh viện lao-bệnh phổi và đang có gánh nặng bệnh lao ở mức cao trong khu vực miền Trung với số bệnh nhân lao mới phát hiện hàng năm khoảng 100 ca/100.000 dân.

Mặc dù tỷ lệ mắc lao đã giảm so với giai đoạn trước, nhưng vẫn còn cao, trong đó, lao đa kháng vẫn là mối nguy hiểm rất lớn, diễn biến phức tạp với tỷ lệ bỏ điều trị và tử vong cao, chi phí điều trị lớn. Bên cạnh đó, các bệnh phổi ngoài lao, đặc biệt là hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, viêm phổi, dịch Covid-19… đang có xu hướng ngày càng gia tăng do sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu.

images780997_IMG_7142.jpg
Xe X-quang kỹ thuật số lưu động phát huy hiệu quả trong hoạt động phòng chống lao tại cộng đồng.

Vì vậy, chức năng nhiệm vụ của hệ thống chuyên khoa cũng có sự thay đổi. Với mô hình hiện tại, đơn vị chuyên môn của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong công tác khám, điều trị, quản lý người bệnh lao và bệnh phổi. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân lao kháng thuốc giai đoạn tấn công phải chuyển vào Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi Quảng Trị. Nhiều ca bệnh nặng, khó chẩn đoán, điều trị phải chuyển đến các cơ sở y tế khác sẽ làm tăng chi phí khám, chữa bệnh, tăng gánh nặng cho người bệnh; nhất là những người bệnh có thu nhập thấp, sống ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, việc chuyển người bệnh lao kháng đa thuốc còn làm tăng nguy cơ lây lan cho cộng đồng.

Cùng với đó, hệ thống y tế Quảng Bình hiện đang thiếu bác sĩ chuyên khoa lao, điều dưỡng chuyên ngành lao-hô hấp/quy mô dân số và tình hình dịch tễ bệnh lao, nhất là ở hệ thống y tế cơ sở hầu như chưa có bác sĩ chuyên ngành lao. Mặt khác, do thiếu kinh phí hoạt động, nên chưa đáp ứng được các hoạt động tập huấn, đào tạo để củng cố và nâng cao năng lực về phòng, chống lao cho hệ thống y tế cơ sở; chưa có nguồn lực cho hoạt động khám phát hiện lao, lao tiềm ẩn trong cộng đồng. Bên cạnh đó, sự phối hợp trong công tác phòng, chống lao giữa các cấp, các ngành, đoàn thể xã hội và cộng đồng người dân còn nhiều hạn chế, nên chưa huy động được sức mạnh tổng hợp cho mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2035.

Tăng cường nguồn lực phòng, chống bệnh lao

Thực hiện Công điện số 25/CĐ-TTg, ngày 25/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục quán triệt, triển khai chủ động, hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Kế hoạch số 374/KH-UBND, ngày 16/3/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống lao giai đoạn 2020-2025.

Xác định tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh lao là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt, lấy y tế cơ sở làm trọng tâm; gánh nặng do bệnh lao gây ra cho người bệnh, gia đình, cộng đồng và xã hội; bệnh lao là bệnh chữa khỏi được.

UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan củng cố năng lực hệ thống khám, chữa bệnh (công lập và tư nhân), đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở trong việc phát hiện, quản lý, điều trị và phòng bệnh lao, trong đó có việc gắn kết với cơ sở khám chữa bệnh; kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống cơ sở phòng, chống bệnh lao trên địa bàn; bám sát tình hình bệnh lao trên địa bàn tỉnh để kịp thời chỉ đạo công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân lao; triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng. Đồng thời, cũng giao Sở Tài chính tham mưu bảo đảm kinh phí cho các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh nhằm tập trung cho việc phát hiện, điều trị sớm, cắt đứt nguồn lây, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao trong cộng đồng. 

CDC tỉnh đang đề xuất thành lập Khoa Lao và Bệnh phổi trong mô hình CDC có giường bệnh nội trú, trên cơ sở khu điều trị 50 giường bệnh đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Nếu được thành lập thì đây là đơn vị chuyên sâu về lĩnh vực lao và bệnh phổi để theo dõi, quản lý, điều trị… bệnh nhân và cung cấp những dịch vụ y tế chuẩn ngay tại địa phương.

Theo Nội Hà (BQB)