Sidebar Menu

Ngày 25 tháng 4 hàng năm được Tổ chức Y tế Thế giới chọn là ngày kỉ niệm Thế giới phòng, chống sốt rét nhằm nhấn mạnh cam kết của cộng đồng về phòng, chống bệnh sốt rét, cũng như huy động sức mạnh của toàn cầu trong việc đoàn kết vì mục tiêu chung, hướng tới một Thế giới không còn bệnh sốt rét.

Hiện nay cả nước đã có 46 tỉnh đã loại trừ được bệnh sốt rét, toàn quốc chỉ còn 448 bệnh nhân sốt rét. Đây là sự nổ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, các Viện Sốt rét, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, cùng toàn bộ hệ thống y tế, các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Tại Quảng Bình, để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét, thời gian qua các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong tỉnh đã phối hợp, triển khai đồng bộ, rộng khắp nên công tác phòng chống và loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều hiệu quả tích cực.

z5380969704906_5018ade6efc8a6136ebcd43a921b246b.jpg
Tổng kết dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét  kháng thuốc Artemisinin giai đoạn 2021 - 2023” (RAI3E).

Những năm qua, các hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét đã được ngành Y tế nỗ lực không ngừng, cùng với sự hỗ trợ của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, đến nay, Quảng Bình không còn xuất hiện ổ dịch nào trên địa bàn. Đến cuối năm 2023 đã có 02/08 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét, 2 địa phương là TP. Đồng Hới và TX. Ba Đồn được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét trên quy mô toàn thành phố và toàn thị xã cho thấy, Quảng Bình đang có cơ hội lớn để tiến tới loại trừ sốt rét trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2025. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến tại thời điểm này, không ghi nhận bệnh nhân sốt rét (ngoại trừ 2 trường hợp ngoại lai về từ châu Phi). Số trường hợp mắc sốt rét giảm sâu từ 609 trường hợp (năm 2015) đến năm 2023 toàn tỉnh chỉ còn ghi nhận 2 ca sốt rét P.falciparum ngoại lai từ châu Phi về. Không có sốt rét ác tính, không có tử vong do sốt rét. Theo thống kê, mỗi năm toàn tỉnh có hơn 200.000 dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi, hơn 10.000 bệnh nhân được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí.

z5380141273183_c84a71a48e2ae4227536f339f1ed75ca.jpg
Tập huấn chẩn đoán sốt rét bằng kính hiển vi và test chẩn đoán nhanh cho xét nghiệm viên điểm kính hiển vi tuyến huyện, xã.

Dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin giai đoạn 2021 - 2023”(RAI3E) được triển khai từ năm 2021 đến 2023 tại 6 huyện: Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá với 62 xã (trong đó có 507 thôn, bản) tham gia dự án cũng đạt được những mục tiêu nhất định, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và hiệu quả tại các cơ sở y tế; Bảo vệ người dân trong vùng nguy cơ bằng các biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét thích hợp; Nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch tễ sốt rét và đảm bảo năng lực đáp ứng dịch sốt rét; Nâng cao kiến thức và hành vi của người dân nhằm chủ động bảo vệ bản thân trước bệnh sốt rét; Quản lý và điều phối hiệu quả chương trình phòng chống và loại trừ sốt rét Quốc gia.

1234365700.jpg
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống và loại trừ sốt rét.

Bác sĩ CKI Huỳnh Công Hùng – Trưởng khoa Điều trị Lao, bệnh phổi, phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho hay: “Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm, do ký sinh trùng Plasmodium gây nên và do muỗi Anophen truyền từ người bệnh (Người có ký sinh trùng sốt rét) sang người lành. Mọi người đều có thể mắc bệnh sốt rét nếu sống hoặc có qua lại vùng rừng núi nơi có sốt rét lưu hành và bị muỗi Anophen đốt” vì vậy, mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, bệnh sốt rét vẫn là mối đe dọa và có nguy cơ quay trở lại. Nhiều vấn đề đang hiện hữu như ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi kháng hoá chất, khả năng phục hồi muỗi truyền bệnh ở các vùng đã ngừng các biện pháp can thiệp cùng với mầm bệnh luôn có trong cộng đồng là nguyên nhân gây lây lan trong khu vực. Bên cạnh đó, sự di biến động dân cư khó kiểm soát, trong đó phải kể đến là dân di cư tự do, giao lưu biên giới, dân đi rừng, ngủ rẫy… Cùng với đó, sinh thái môi trường tại các vùng sốt rét lưu hành luôn có nhiều biến động do yếu tố khí hậu, thời tiết; điều kiện kinh tế-xã hội vùng sốt rét còn nhiều khó khăn… là những nguyên nhân có thể làm gia tăng bệnh sốt rét.

z5380155879124_7d6677ffefb8099f412e1fa1e766bed0.jpg
Thực hiện phun tẩm hóa chất diệt muỗi tại xã Dân Hóa - Minh Hóa Quảng Bình

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình đã đặt ra mục tiêu cụ thể gồm: tiếp tục đẩy lùi nguy cơ dịch sốt rét tại các khu vực trọng điểm; không để dịch sốt rét xảy ra, hạn chế nguy cơ sốt rét lan rộng, hạn chế ký sinh trùng Plasmodium falciparum kháng thuốc phối hợp. Tỉnh phấn đấu hạ tỷ lệ mắc cũng như tử vong do bệnh sốt rét trên địa bàn xuống dưới 0,10/1000 dân; nâng cao chất lượng phòng, chống sốt rét ở các tuyến, dần đạt các yếu tố bền vững trong phòng, chống sốt rét; triển khai các biện pháp đề phòng bệnh sốt rét quay trở lại các vùng đã loại trừ bệnh sốt rét. Tỉnh Quảng Bình cũng đã đề ra nhiều chỉ tiêu cụ thể cần phấn đấu đạt được như: trên 95% người nghi ngờ sốt rét được khám bệnh và xét nghiệm; 100% người nhiễm ký sinh trùng sốt rét được điều trị đúng theo phác đồ của Bộ Y tế; 100% người nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum được điều trị bằng thuốc sốt rét phối hợp DHA; trên 95% hộ gia đình ở vùng sốt rét lưu hành nặng và vừa được sử dụng thuốc tẩm màn, phun hóa chất phòng, chống muỗi truyền bệnh sốt rét; 100% trường hợp bệnh được báo cáo, điều tra đầy đủ đúng hạn theo hướng dẫn quốc gia; 100% người bệnh được xử lý kịp thời trong vòng 7 ngày…

Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Quảng Bình đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện Kế hoạch loại trừ bệnh sốt rét trên phạm vi toàn tỉnh vào năm 2025 đến các cấp ngành, đoàn thể, đơn vị chuyên môn, chính quyền các địa phương. Cùng với đó, tỉnh đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện trong công tác chỉ đạo điều hành như: truyền thông giáo dục sức khoẻ; củng cố mạng lưới y tế cơ sở; công tác kiểm tra, thanh tra; hoạt động tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh tiến tới loại trừ sốt rét trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2025 (sớm hơn 5 năm so với lộ trình của Bộ Y tế đề ra loại trừ sốt rét vào năm 2030). 

Lan Hường