Sidebar Menu

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm. Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được >95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có nguy cơ nhiễm bệnh sởi. Bệnh sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo khác như viêm phổi, tiêu chảy…. và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong.

Để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chỉ đạo tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và tại cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.

z5286112721956_3c653aa3e762564558757ff38d3c8af4.jpg
Tiêm phòng vắc xin là 1 trong những biện pháp hữu hiệu phòng chống bệnh sởi

Ngành Y tế tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Tiến hành rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

z5286114214866_6c35b619888a96b0987cbaefd09b27c4.jpg
Tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho trẻ tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Quảng Bình

Cùng với đó,Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và các địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và biện pháp phòng chống; vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ được tiêm vắc xin sởi trên địa bàn tỉnh đạt 16,25%, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động giám sát các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng trong đó có bệnh sởi được triển khai từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã.

Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi, mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch, nếu trẻ được tiêm đủ 2 mũi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

z5286114537466_3038922c58679f5597dfaf37e4ad53d5.jpg
Tư vấn cho các bà mẹ khi đến tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại CDC Quảng Bình

Các bà mẹ phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng. Khi trẻ mắc bệnh, bố mẹ trẻ cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh mắc bệnh cơ hội. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho. Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên, tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Lan Hường