Sidebar Menu

(QBĐT) Là người con dân tộc Chứt, sinh ra và lớn lên ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa (Minh Hóa), anh Cao Xuân Tiêm luôn quyết tâm học “cái chữ” để thoát nghèo, mang kiến thức về giúp bà con dân bản.

Vượt khó thực hiện ước mơ

Là con trai cả trong gia đình có 5 anh em, cuộc sống còn nhiều nghèo khó, vất vả, các em phải bỏ học sớm, đã có lúc Cao Xuân Tiêm định bỏ học. Nhưng niềm đam mê, ước mơ cháy bỏng được trở thành bác sĩ khám chữa bệnh (KCB) cho bà con dân bản đã tạo động lực cho anh quyết tâm, tiếp tục học tập.

z5123256986847_47970d34e2231fda7190c7101c88e883_1.jpg
Bác sĩ Cao Xuân Tiêm tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho bà con dân bản.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp THPT, anh được cử tuyển vào Trường đại học Y khoa Huế. Năm 2014, tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa, Cao Xuân Tiêm được cử về công tác tại Trạm Y tế xã Dân Hóa như mong ước của anh. Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng với những kiến thức đã được tiếp thu trên giảng đường đại học, anh đã sớm khẳng định mình trong nhiệm vụ chuyên môn, tận tâm với người dân.

Dân Hóa là xã nằm ở vùng biên giới, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, lạc hậu. Vì vậy, mỗi lúc ốm đau họ chủ yếu chữa bệnh bằng cách nhờ thầy cúng trừ tà ma... khiến hậu quả bệnh tình ngày càng nặng hơn, thậm chí là những cái chết thương tâm đã xảy ra.

Nhận thức rõ điều này, bác sĩ Tiêm đã chủ động tuyên truyền các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho đồng bào qua những buổi khám bệnh tại trạm y tế xã cũng như sinh hoạt với thôn bản, từ đó nhận thức của người dân dần được nâng lên. Giờ đây, khi có bệnh, bà con không còn đến nhờ thầy cúng như trước nữa mà đã tin tưởng đưa người bệnh đến trạm y tế để bác sĩ KCB.

Ông Hồ Thiên, bản K-Ai tự hào nói: “Bác sĩ Tiêm giỏi lắm, khi ốm đau đến trạm y tế, được bác sĩ khám cho thuốc, chỉ dặn uống thuốc đều đặn để mau khỏe. Bác sĩ còn hướng dẫn vệ sinh cá nhân, môi trường xung quanh nhà ở để phòng bệnh cho bản thân và cả gia đình. Người dân ở đây rất tin tưởng bác sĩ Tiêm”.

8 năm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên vùng biên giới, bác sĩ Cao Xuân Tiêm luôn nêu gương cho đội ngũ y bác sĩ trong việc rèn luyện y đức, thái độ ứng xử, giao tiếp, tránh gây phiền hà cho người dân, tạo niềm tin đối với người bệnh khi đến khám, điều trị tại trạm.

Nhờ vậy, trong năm 2023, Trạm Y tế xã Dân Hóa đã khám, điều trị cho trên 2.000 lượt người dân trong xã, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, đến nay, trạm đã thực hiện được trên 75% các dịch vụ kỹ thuật có trong quy định phân tuyến kỹ thuật, danh mục kỹ thuật trong KCB hiện hành và bảo đảm việc thực hiện sơ cứu, cấp cứu thông thường theo đúng quy định của Bộ Y tế.

“Bác sĩ Cao Xuân Tiêm là con em dân bản, sinh ra và lớn lên ở đây, rất thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn cũng như các hủ tục lạc hậu, nên anh luôn đặt tâm huyết vào công tác KCB. Với sự năng động trong công tác quản lý, điều hành công việc của một trạm trưởng, sự tận tình của một thầy thuốc, bác sĩ Tiêm đã xây dựng Trạm Y tế xã Dân Hóa hoạt động nền nếp, hiệu quả, trở thành địa chỉ tin cậy trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, được bà con nhân dân địa phương tin yêu”, ông Đinh Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết.

Xóa bỏ hủ tục “vượt cạn” ở chòi

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cho hay: Từ khi về công tác ở Trạm Y tế xã Dân Hóa, bác sĩ Cao Xuân Tiêm đã thay đổi được nhận thức của bà con ở đây, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, như: Cúng, thổi, sinh đẻ ở chòi hay bờ suối… Họ đã nghe và tin vào y học.

“Mưa dầm thấm lâu”, bác sĩ Tiêm cùng đồng nghiệp đã giúp bà con xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu tồn tại trong đời sống, làm cho mọi người hiểu rõ hơn về các phương pháp chữa bệnh, sinh đẻ… từ đây, con đường dẫn đến trạm y tế xã đã quen dần với bà con trong bản. “Để giải thích, thuyết phục, động viên bà con trong các bản mỗi khi sinh đẻ, ốm đau phải đến trạm y tế, tôi đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động. Đích đến đầu tiên là các già làng, trưởng bản, bởi hơn ai hết, những người này tiếng nói luôn có trọng lượng với dân bản”, bác sĩ Tiêm chia sẻ.

Đã nhiều năm trôi qua, anh cùng đồng nghiệp đỡ đẻ và tận tình chăm sóc sức khỏe cho các ca sinh khó cho tới khi cả mẹ và con đều khỏe mạnh mới cho về nhà. Đến nay, hủ tục “đẻ chòi” đã được giải quyết dứt điểm, “cởi trói” nỗi khổ đeo đẳng phụ nữ dân tộc thiểu số. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu nghề, bác sĩ Cao Xuân Tiêm đã nhận được niềm tin yêu của đồng bào, người dân, người bệnh nơi đây. Với anh, đó chính là phần thưởng quý giá nhất.

 Giám đốc Sở Y tế Dương Thanh Bình cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều bác sĩ người dân tộc thiểu số được đào tạo bài bản về y học, sau khi tốt nghiệp trở về quê hương chăm sóc sức khỏe cho bà con dân bản. Họ là người Bru-Vân Kiều, Chứt, Sách… Bác sĩ Cao Xuân Tiêm là một trong những tấm gương tiêu biểu. Với tinh thần tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, họ đã để lại những hình ảnh đẹp, tình cảm sâu sắc được chính quyền và người dân ở đây hết lòng yêu mến, kính trọng.

Thành Trung